Trụ sở VGV
Trúng nhiều gói thầu
Theo Ban lãnh đạo VGV, năm 2022 là thời gian khó khăn với thị trường bất động sản, cũng như các kênh tài chính khác. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Tổng công ty vẫn rất tích cực.
Cụ thể, năm 2022, Công ty thực hiện các hợp đồng từ đa dạng nguồn vốn. Bên cạnh các nguồn việc từ vốn ngân sách, Tổng công ty tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ với nhóm khách hàng truyền thống là các chủ đầu tư lớn như Vingroup, BRG, Geleximco…, đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp cận, tìm kiếm khách hàng mới như Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Everland…
Trong năm 2022, Tổng công ty đã tham gia chào giá, dự thầu, đấu thầu đối với 419 gói thầu (không kể các gói thầu đấu riêng của các chi nhánh). Kết quả đã ký được 257 hợp đồng với tổng trị giá trên 418 tỷ đồng.
Ngoài tham gia đấu thầu qua hệ thống đấu thầu quốc gia e-GP, VGV đã tham gia các hệ thống đầu thầu riêng của một số chủ đầu tư như Đại sứ quán Mỹ, Gamuda, Vingroup… với tỷ lệ trúng thầu khá cao ở các dự án như: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư Đam Khê Trong, Ninh Bình; Trụ sở công an tỉnh Sóc Trăng, Cải tạo nâng cấp bệnh viện Thống Nhất giai đoạn 3; Khu phân bón dầu khí Cà Mau; QLDA Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1…
Năm 2022 Tổng công ty đạt doanh thu hợp nhất 765,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 40,9 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ đạt 266 tỷ đồng, vượt kế hoạch 33%; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 20 tỷ đồng (vượt kế hoạch 25%) và chia cổ tức 3%.
Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ 210 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 17 tỷ đồng và cổ tức 3%. Kế hoạch này được giới đầu tư đánh giá là khá khiêm tốn so với những thế mạnh của VGV trong bối cảnh xu thế tăng trưởng mạnh đầu tư công thời gian tới.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của VGV |
Thực tế, tuy nắm giữ nhiều lợi thế và tài sản, nhưng kết quả kinh doanh các năm vừa qua của VGV khá "lẹt đẹt". Từ sau khi cổ phần hóa đến nay, lợi nhuận không tăng trưởng mà đi xuống. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 là 46,8 tỷ đồng, năm 2018 là 44,9 tỷ đồng, năm 2019 là 44 tỷ đồng, năm 2020 là 33 tỷ đồng, năm 2021 là 28,5 tỷ đồng. Cổ tức các năm qua chỉ dao động từ 1-5%.
Tính tới cuối năm 2022, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu Công ty mẹ và hợp nhất lần lượt đạt 4,7% và 6,8%. Trong khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản Công ty mẹ và hợp nhất lần lượt đạt 3,15% và 2,67%.
Đánh giá về chỉ tiêu khả năng sinh lợi, chính VGV nhận định khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu thấp và phụ thuộc vào hệ số tài sản trên vốn chủ sở hữu, cũng như khả năng sinh lời của tổng tài sản. Do đó, để tăng khả năng sinh lời, Tổng công ty cần tìm các biện pháp đẩy nhanh vòng quay tải sản, đặc biệt là giảm hàng tồn kho (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) và giảm nợ phải thu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Sau cổ phần hoá (năm 2016), lợi nhuận sau thuế của VGV liên tục đi xuống |
Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2023-2027
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 sẽ diễn ra ngày 28/6 tới đây, VGV dự kiến trình Đại hội thông qua Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến 2030.
Trong đó, Công ty mẹ sẽ sắp xếp lại các công ty thành viên và mở rộng thêm các công ty mới theo tiêu chí: (1) ngành nghề chuyên môn – giữ lại, mở rộng thêm các công ty có các ngành nghề chuyên môn chính có liên quan phục vụ trực tiếp lĩnh vực kinh doanh của công ty mẹ và/hoặc phối hợp cùng tạo ra dịch vụ giá trị mới; (2) Hoạt động kinh doanh hiệu quả và có vai trò quan trọng hoặc quy mô cần thiết cho sự phát triển của các công ty trong mô hình công ty mẹ - con.
VGV kiến nghị với chủ sở hữu (SCIC - cổ đông nhà nước) về việc tăng cường nguồn lực cho Tổng công ty từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh…, trích quỹ đầu tư phát triển để mở rộng kinh doanh, đầu tư chuyên sâu…
Tiền thân của Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam là Cục thiết kế dân dụng thành lập từ tháng 4/1955. Đến năm 2016, VGV được cổ phần hóa, có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 87,2% do Tổng công ty SCIC quản lý.
VGV là thương hiệu đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn xây dựng. Với bề dày gần 70 năm, VGV và các công ty con, công ty liên kết đã thiết kế, tư vấn tại nhiều công trình lớn của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội, tổ hợp văn phòng Keangnam, bảo tàng Hà Nội, Học viện quân y…
Tuy chỉ có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, nhưng VGV nắm trong tay nhiều tài sản rất giá trị. VGV hiện đang quản lý và sử dụng lô đất 2.500 m2 tại trụ sở 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội gồm 1.627 m2 đất xây trụ sở và 873 m2 đất nằm ngoài chỉ giới xây dựng.
Không chỉ VGV mà các công ty con, công ty liên kết trong hệ sinh thái của VGV cũng các thương hiệu mạnh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và nắm trong tay nhiều mảnh đất vàng như CIC, CDC, VIWASE, CONINCO, CCBM, NAGECCO, INCOSAF, VCC…
Chẳng hạn, CTCP Nước Môi trường Việt Nam (VIWASE - mã VWS: UPCoM) là một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tuy chỉ có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, nhưng VIWASE nổi tiếng nắm trong tay nhiều mảnh đất vàng như lô đất mặt đường rộng 650 m2 ở các số nhà 5, 7, 9 phố cổ Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều héc-ta đất đắc địa tại Bắc Ninh, Hưng Yên…
Trong khi đó, CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC) sở hữu tòa nhà số 10 Hoa Lư, Hà Nội; CTCP Tư vấn Xây dựng công trình vật liệu xây dựng (CCBM) với tòa nhà VG, ngõ 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; CTCP Tư vấn xây dựng Tổng hợp (NAGECCO) có trụ sở ở 29bis Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM và lô đất 466 m2 tại 162 đường Pasteur, quận 1, TP.HCM đem liên doanh với nước ngoài (liên doanh PDD); CTCP Tư vấn Công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) là chủ tòa nhà CONINCO Tower trên diện tích đất 1.814 m2 ở số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội…
Một công ty con khác của VGV (sở hữu 57,76% vốn điều lệ) là Công ty cổ phần Khảo sát và Xây dựng (USCO), nắm trong tay 748m2 đất ở 91 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; 4.434 m2 đất ở xóm 6 Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; 8.625 m2 ở Khu Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội; 1.937 m2 ở số 5 Lạc Long Quân, Hà Nội; 337 m2 ở 226 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM; 1.317 m2 ở 303 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM; và nhiều lô đất khác tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…