Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 26/6 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã giảm 100.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,40 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 6,4 USD lên 1.920,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên ngưỡng 1.930 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,75 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.755 đồng/USD, tăng 23 đồng với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.360 – 23.700 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 30.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã hạ nhiệt nhẹ về gần 30.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD (+0,29%), lên 69,36 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,33 USD (+0,45%), lên 74,18 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng
VN-Index kéo qua vùng giá 1.130 điểm từ khá sớm, nhưng nỗ lực bất thành đã khiến chỉ số rơi nhanh về ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm và hãm được đà rơi.
Trong phiên chiều, VN-Index dần nhích bước và đã đảo chiều hồi phục sắc xanh thành công trong ít phút trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và sau đó tiếp tục nới nhẹ đà tăng điểm nhờ một số bluechip khởi sắc như MWG, GVR, VNM.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 16,25 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 358,26 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/6: VN-Index tăng 2,65 điểm (+0,23%), lên 1.132,03 điểm; HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,23%) xuống 231,01 điểm; UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%) xuống 85,6 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giảm trong phiên thứ Sáu (23/6), khi giới đầu tư nhận định khả năng cao sẽ tăng lãi suất trong tháng Bảy đã thúc đẩy lực bán lan rộng.
CEO Greg Bassuk của AXS Investments nhận định: “Thị trường chắc chắn đang thể hiện những lo ngại mới về suy thoái kinh tế ở Mỹ, cũng như suy thoái toàn cầu. Mức lạm phát vẫn cao và chính sách của Fed vẫn là câu chuyện mà nhà đầu tư quan tâm”.
Trong tuần, Dow Jones mất gần 1,7%, S&P 500 giảm 1,4%, còn Nasdaq Composite giảm 1,4%.
Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones giảm 219,28 điểm (-0,65%), xuống 33.727,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,56 điểm (-0,77%), xuống 4.348,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 138,09 điểm (-1,01%), xuống 13.492,52 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm phiên thứ ba liên tiếp, sau khi trải qua một ngày giao dịch giằng co quanh tham chiếu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,25% xuống 32.698,81 điểm. Chỉ số này đã giảm khoảng 2,4% trong hai phiên trước đó, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 33 năm tại 33.772,89 điểm vào tuần trước. Chỉ số Topix mất 0,2% xuống 2.260,17 điểm.
Phiên này, nhóm cổ phiếu liên quan đến chip là một trong những lực cản lớn nhất của Nikkei 225, với Tokyo Electron giảm 0,83% và Advantest giảm 1%. Cổ phiếu lớn Fast Retailing có trọng số lớn nhất trên chỉ số chuẩn, giảm 0,64%.
Cổ phiếu đáng chú ý là JSR Corp đã tăng 21,65%, sau khi nhà sản xuất vật liệu bán dẫn này đang xem xét một thỏa thuận được mua lại bởi Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản (JIC) do nhà nước hậu thuẫn.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi dữ liệu du lịch trong Lễ hội Thuyền rồng kéo dài ba ngày vào tuần trước cho thấy sự phục hồi kinh tế yếu.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,48% xuống 3.150,62 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,41% xuống 3.809,70 điểm.
Các chuyến đi du lịch ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ Lễ hội Thuyền rồng đã tăng 32,3% so với một năm trước đó, nhưng sự phục hồi này thấp hơn so với kỳ nghỉ lễ tháng Năm kéo dài năm ngày trước đó.
"Dữ liệu du lịch và di chuyển trong Lễ hội Thuyền rồng kéo dài ba ngày cho thấy đà phục hồi hậu Covid đang mờ dần đối với các dịch vụ trực tiếp", Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết.
Cổ phiếu du lịch theo đó chịu ảnh hưởng mạnh và giảm 2% và cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu mất 1,5%.
S&P Global mới đây, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc xuống 5,2% từ mức 5,5% trước đó, sau khi dữ liệu tháng 5 cho thấy sự phục hồi hậu COVID đang chững lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi chi tiêu tiêu dùng và sản xuất tiếp tục suy yếu, thêm vào vào các dấu hiệu phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chững lại.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,64% xuống 19.912,89 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,83% xuống 6.776,55 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi giới đầu tư mua bắt đáy khi thị trường giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần trong phiên trước đó.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI đóng cửa tăng 12,10 điểm, tương đương 0,47% lên 2.582,20 điểm.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi các chỉ số tâm lý người tiêu dùng và lạm phát ở Mỹ cũng như hoạt động sản xuất ở Trung Quốc trong tuần này, Seo Sang-young, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là SK Innovation giảm 6,08% xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng, sau khi nhà sản xuất pin công bố kế hoạch huy động vốn 1,18 nghìn tỷ won (904,26 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển.
Kết thúc phiên 26/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 82,73 điểm (-1,25%), xuống 32.698,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 47,28 điểm (-1,48%), xuống 3.150,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 95,84 điểm (-0,51%), xuống 18.794,13 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 12,10 điểm (+0,47%), lên 2.582,20 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Đồng Việt Nam có thể giảm giá, nhưng không đáng lo
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, hạ lãi suất sẽ khiến giá trị đồng Việt Nam giảm, nhưng việc này không đáng lo ngại, do USD cũng giảm..>> Chi tiết
- Những cổ phiếu đáng quan tâm trong ngành bán lẻ
Ngưỡng kháng cự được tạo ra từ đỉnh ngắn hạn đã được VN-Index vượt qua, nhưng sắp tới có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng này trước khi tiến lên ngưỡng cao hơn..>> Chi tiết
- Lãi suất giảm kích thích dòng tiền trở lại chứng khoán
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu tiềm năng tốt để tích lũy cho đầu tư dài hạn..>> Chi tiết
- BIS: Nền kinh tế thế giới đang ở thời điểm quan trọng trong cuộc chiến lạm phát
Hôm Chủ Nhật (25/6), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã kêu gọi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn và cảnh báo nền kinh tế thế giới hiện đang ở thời điểm quan trọng để kiềm chế lạm phát..>> Chi tiết