Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua gồm 4 nhóm vấn đề chính là: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 22 cơ chế mới
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/8 tới đây được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh, để TP Hồ Chí Minh phát triển vì cả nước, cùng cả nước.
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh: Mở rộng nguồn lực tăng trưởng
Trước khi Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Nghị quyết mới được Quốc hội khóa 15 thông qua, cách đây 5 năm, Quốc hội khóa 14 cũng đã thông qua Nghị quyết số 54 cũng về thì chủ trương này. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dù 5 năm trước hay bây giờ, lý do cần thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vẫn không thay đổi.
TP Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm giữ vai trò đầu tàu kinh tế, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều điểm nghẽn trong phát triển… Do đó, rất cần luồng gió mới, những chính sách đặc thù, đặc biệt là thí điểm những mô hình mới, tạo bước chuyển đột phá cho thành phố.
Điểm khác biệt cốt lõi nhất của Nghị quyết mới là nếu như Nghị quyết 54 tập trung vào các cơ chế chính sách để tạo nguồn thu cho thành phố Hồ Chí Minh thì Nghị quyết mới sẽ tập trung nhiều hơn vào các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội cũng là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dồn lực thực hiện sau khi có cơ chế đặc thù mới.
Bớt kẹt xe, hết ngập nước… có lẽ là mong muốn của rất nhất của nhiều người dân Thành phố sau khi Nghị quyết mới được thông qua. Mong muốn cũng dễ hiểu thôi nếu nhìn vào thực trạng. Số liệu của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, tiến độ thực hiện Quy hoạch Phát triển Giao thông vận tải rất chậm, chỉ đạt khoảng 35% mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu các cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách. Chỉ trong vòng 2 năm tới, thành phố cần đầu từ tới 454 km đường giao thông, nhưng hiện chỉ bố trí được gần 20% nhu cầu vốn. Do đó, nếu phát huy được một cách hiệu quả những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết đề cập, thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội rất lớn để bứt phá.
Kỳ vọng thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng từ đầu tư xã hội nhờ cơ chế đặc thù
Khi các tuyến đường sắt đô thị được hình thành, rõ ràng là giá trị bất động sản của những nơi lân cận, dọc ven tuyến giao thông sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nếu thành phố Hồ Chí Minh sử dụng tốt cơ chế TOD - Transit Oriented Development, nghĩa là "Cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông", chính quyền có thể tổ chức đấu giá các khu vực ở nhà ga để nhà đầu tư khai thác thương mại, dịch vụ. Nguồn thu có được vào ngân sách sẽ tạo nguồn lực để Nhà nước tái đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo chính quyền, bằng cơ chế TOD, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tận dụng quỹ đất dọc các tuyến metro, vành đai để phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ gắn với tái bố trí dân cư, qua đó, thu hút nguồn lực đầu tư mới từ xã hội để đóng góp cho sự phát triển của đầu tàu kinh tế thời gian tới.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Để triển khai Nghị quyết này, Thành phố cũng chỉ đạo sở ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai. Đối với Sở Giao thông chúng tôi cũng đã có kế hoạch triển khai như nghiên cứu một số dự án, cùng với các sở ngành nghiên cứu khai thác một số quỹ đất, có kế hoạch đầu tư hạ tầng khai thác quỹ đất đi cùng với quy hoạch phát triển không gian đô thị.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định: "Dọc theo các tuyến trục giao thông, cụm giao thông, cần phải tổ chức thành các dự án, về nhà ở hay thương mại dịch vụ. Nhà nước có thể bỏ nguồn lực ra để giải phóng tạm thời các phần đất lân cận dự án, sau đó bán đấu giá cho các nhà khai thác, tạo ra không gian đô thị phù hợp với định hướng phát triển của thành phố".
Nghị quyết mới cho phép thành phố thực hiện trở lại các dự án theo hình thức đối tác công tư như BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), hay BT (xây dựng - chuyển giao)... theo lãnh đạo thành phố, áp dụng các hình thức này sẽ góp phần thúc đẩy triển khai hàng chục dự án giao thông trọng điểm với tổng số vốn lên đến 110.000 tỷ đồng. Điểm mới là có thể thanh toán cả bằng đất và bằng tiền với các dự án BT.
Giới chuyên gia cho rằng, việc tạo cơ chế để thành phố linh hoạt, sáng tạo trong cách làm dự án sẽ giúp khơi thông hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết thêm: "Những cơ chế chính sách mới giúp thành phố Hồ Chí Minh có thể làm ra những "con đường" tốt thì cứ để thành phố Hồ Chí Minh linh động, sáng tạo trong cách làm để sao cho có được con đường tốt. Chính phủ, Quốc hội sẽ giám sát thành quả, nếu làm tốt thì nó sẽ trở thành một quy trình để cho các địa phương khác thực hành theo".
Giới chuyên gia cũng đánh giá cao các cơ chế ưu đãi nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên của thành phố; cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo chính quyền thành phố, các cơ chế đặc thù kỳ vọng giúp thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư từ xã hội.
Thách thức trong triển khai Nghị quyết mới
Trước đây, khi triển khai Nghị quyết 54, thành phố Hồ Chí Minh đã phải dành ra năm đầu để xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị, tiếp đó là 2 năm dịch COVID-19 bùng phát nên đã không có nhiều thời gian và nguồn lực để phát huy được hết những chính sách, cơ chế đặc thù. Do đó, với Nghị quyết vừa được thông qua, thành phố đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị, với mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Những thách thức trong triển khai cũng được Lãnh đạo Thành phố nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nói: "Những nội dung cơ chế chính sách được thí điểm lần này hầu hết là mới hoặc còn có sự chồng chéo về mặt pháp lý giữa các quy định pháp luật. Cho nên chúng tôi cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mà điều này không chỉ bằng sức lực của thành phố không mà còn là sự phối hợp, sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương vì đây là vấn đề mới, vấn đề khó, liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp. Chúng tôi mong có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành TƯ thì Nghị quyết mới có thể triển khai".
Thành phố sẽ có 5 năm để triển khai Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Sẽ có nhiều chương trình được khởi động lại như chương trình kích cầu đầu tư với hạn mức hỗ trợ doanh nghiệp được nâng lên 200 tỷ đồng, gấp đôi so với trước đây, mức lãi vay được hỗ trợ tới 50% hoặc 100%. Những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Nhưng quan trọng nhất, để phát huy hiệu quả những cơ chế, chính sách đặc thù mà Nghị quyết đã mở ra, phụ thuộc rất lớn và yếu tố con người trong xây dựng kế hoạch và triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!