Intel và Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne (Mỹ) mới đây đã lắp đặt sơ bộ thành công siêu máy tính Aurora, từ đó đạt được bước tiến quan trọng giúp hệ thống cực mạnh này đi vào hoạt động chính thức. Đây được coi là một tin vui với Intel, khi siêu máy tính này đã liên tục đối diện tình trạng chậm trễ trong việc đi vào hoạt động trong một thời gian dài.
Được trang bị dòng CPU Xeon Max và dòng GPU Max dành cho các hệ thống cần khả năng tính toán cực mạnh, hiệu suất của siêu máy tính Aurora lên đến 2 ExaFLOPs (ExaFLOPs là thước đo hiệu suất của một siêu máy tính, có thể thực hiện 1 tỷ tỷ phép tính/giây). Điều này có nghĩa, nếu Aurora đi vào hoạt động, nó sẽ là siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay, đứng đầu top 500 siêu máy tính mạnh nhất. Để so sánh, siêu máy tính Frontier của HP đang là siêu máy tính số 1 thế giới hiện nay có hiệu năng thông thường đạt 1,102 ExaFLOPs, và khoảng 1.68 ExaFLOPs khi chạy hết công suất.
Để làm được điều này, Aurora tích hợp 21,2 nghìn CPU Xeon thuộc dòng sản phẩm Sapphire-Rapid SP mới nhất hiện nay của Intel. Kèm theo đó là khoảng 63,7 nghìn chip xử lý đồ họa (GPU) thuộc kiến trúc Ponte Vecchio, cho phép nó cung cấp mức tăng tối đa là 2,12 PB/s và băng thông chia đôi tối đa là 0,69 PB/s.
Để cấu thành Aurora, các kĩ sư đã lắp đặt 10,624 phiến điện toán, với mỗi phiến tích hợp 2 CPU Xeon Max, 6 GPU Max và nặng gần 32kg. Toàn bộ các phiến điện toán được đặt trong 166 giá đỡ, mỗi giá đỡ chứa 64 phiến. Chúng được thành 8 dãy, chiếm diện tích bằng hai sân bóng rổ chuyên nghiệp ở trung tâm dữ liệu ALCF.
Đối với dung lượng bộ nhớ, siêu máy tính Aurora có 10,9 PB dung lượng DDR5 RAM, 1,36 PB dung lượng bộ nhớ HBM thông qua CPU và 8,16 PB dung lượng bộ nhớ HBM thông qua GPU. Cuối cùng, tổng dung lượng lưu trữ của Aurora là 220TB. Xét về mặt hiệu năng, GPU Max của Intel được cho là mạnh hơn dòng GPU H100 của Nvidia 30% trên các tác vụ đa dạng khác nhau, và khoảng 50% cho các tác vụ AI (theo số liệu của nhà cung cấp phần mềm độc lập Ansys).
Được biết, một trong những tác vụ Aurora sẽ thực hiện bao gồm việc ứng dụng công nghệ AI tạo sinh trong nghiên cứu khoa học. Điều này bao gồm việc chữa trị những căn bệnh chết người, hay tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu, vốn đòi hỏi công nghệ điện toán tiên tiến trên quy mô lớn.
Cùng với Intel, Meta, Microsoft và Nvidia là một số công ty lớn khác hiện đang phát triển các dự án siêu máy tính của riêng họ. IBM gần đây đã vạch ra kế hoạch tạo ra một siêu máy tính lượng tử. Siêu máy tính có nhiều bộ nhớ hơn và có khả năng thực hiện nhiều tác vụ hơn với tốc độ cao hơn máy tính thông thường. Khi nói đến các tác vụ điện toán hiệu năng cao đòi hỏi một hệ thống phải hoạt động ở công suất cao trên AI, mô phỏng và phân tích dữ liệu, thì siêu máy tính chính là chìa khóa. Các nhà nghiên cứu tin rằng siêu máy tính có khả năng thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới, từ đó có thể giúp họ giải quyết các vấn đề xã hội.
Tham khảo Wccftech