vĐồng tin tức tài chính 365

Làm sao giữ sức khỏe tốt, tâm lý vững để thi tốt nghiệp THPT?

2023-06-27 12:21
Làm sao giữ sức khỏe tốt, tâm lý vững để thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 1.

Học sinh cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt cho kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: DUYÊN PHAN

Áp lực trước và trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là cực kỳ lớn, làm sao để các sĩ tử vượt qua với kết quả thi đạt như mong muốn?

"Không sức khỏe, không có kỳ thi"

Theo chuyên gia tâm lý, TS Huỳnh Anh Bình - giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, để có sức khỏe thể chất và tâm lý vững trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các bạn học sinh hãy cẩn thận với dịch bệnh, khi hiện nay bệnh COVID-19 vẫn còn đặc biệt ở các thành phố lớn. Nếu mắc COVID-19 trong thời điểm thi sẽ là bất lợi lớn cho các sĩ tử.

Song song đó, cần chú ý đến giấc ngủ, với thời gian ngủ mỗi ngày phải đủ 6 tiếng và giấc ngủ này phải sâu.

Có rất nhiều bạn học sinh ngủ đủ thời gian nhưng lại ngủ không sâu, do thói quen sử dụng điện thoại thông minh trước khi ngủ.

Nếu giấc ngủ không sâu thì sáng hôm sau dậy nhưng chúng ta vẫn muốn tiếp tục ngủ.

Để có được giấc ngủ sâu, các sĩ tử không nên sử dụng điện thoại 30 phút trước khi ngủ hoặc có thể ngồi thiền trong tĩnh lặng, thả lỏng cơ thể trong vòng 3-5 phút trước khi ngủ.

Cũng trong thời gian ôn tập và thi cử căng thẳng, ông Bình cho hay cơ thể, não bộ đang cần năng lượng, ví vậy các bạn học sinh nên ăn nhiều hơn một tí để giúp cơ thể luôn khỏe, đủ dinh dưỡng. Nhiều học sinh sức khỏe kém đi là vì không uống đủ nước. Do đó cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tiếp thêm năng lượng cho cơ thể.

Song song đó là vận động nhẹ nhàng (thả lỏng cơ thể, đi bộ...) sau khoảng 45 phút ôn tập để máu được lưu thông toàn cơ thể, giúp tinh thần minh mẫn, cơ thể khỏe khoắn hơn.

Cần lưu ý, tránh lạm dụng trà và cà phê trong quá trình ôn tập. Nếu lạm dụng, chúng sẽ ức chế não khiến chúng ta thức khuya nhưng không thể ôn tập, học tập tốt. Riêng với trà, nếu càng uống nhiều thì càng lợi tiểu, gây cơ thể mất nước.

Đồng hành cùng con để giải tỏa áp lực

Theo các chuyên gia, áp lực thi cử, đối mặt với nhiều áp lực từ chính bản thân, bạn bè, cha mẹ khiến nhiều trẻ rơi vào tình trạng lo âu, căng thẳng. Trong giai đoạn này, các em rất cần sự đồng hành, thấu hiểu của cha mẹ để giải tỏa những áp lực.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh - phó trưởng khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhi gặp tình trạng rối loạn lo âu, căng thẳng trong mùa thi.

"Thường những trẻ đến khám và điều trị lại nằm trong nhóm trẻ được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá giỏi.

Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân mình để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô khiến trẻ nỗ lực không ngừng.

Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm, nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Nguyên nhân của rối loạn trên thường là do: khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ...", bác sĩ Vinh nêu rõ.

Theo bác sĩ Vinh, trong giai đoạn thi cử cha mẹ nên đồng hành, tâm lý với con để giúp con giải tỏa áp lực. "Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao.

Cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con mình. Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được những áp lực về học tập, thi cử.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tập trung đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục, thể thao đều đặn sẽ giúp con có sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất", bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Làm sao giữ sức khỏe tốt, tâm lý vững để thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 4.

Sức khỏe tốt, tâm lý vững, sự quan tâm, động viên của phụ huynh là “chìa khóa” giúp các sĩ tử vượt qua kỳ thi quan trọng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chuẩn bị cho con tinh thần chấp nhận "thất bại"

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), bên cạnh việc chuẩn bị cho con tinh thần tốt để bước vào kỳ thi thì cha mẹ cũng cần lường trước những nguy cơ thất bại và chuẩn bị tâm lý cho con.

"Hãy đặt tình huống nếu con làm bài không tốt, điểm thi có thể không được như kỳ vọng, cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho con ứng phó với tình huống đó bằng một thông điệp hoặc một cách thức nào đó.

Cha mẹ có thể kể những câu chuyện về sự thất bại, nếu không bỏ cuộc vẫn có thể vượt lên được thất bại ấy. Cũng như môn boxing, khi võ sĩ ngã xuống, trọng tài chỉ tính là thua cuộc nếu sau một khoảng thời gian nhất định anh ta không đứng dậy được.

Bởi vậy, nếu con không đạt điểm cao, không đỗ nguyện vọng 1 như mong muốn mình vẫn có nhiều cơ hội. Cha mẹ tuyệt đối không để con mắc kẹt trong suy nghĩ: "Tôi là kẻ thất bại".

Hãy nói với những đứa trẻ: "Dù kết quả thế nào bố mẹ vẫn yêu con" - lời nhắn nhủ đơn giản cũng đã là sự động viên hết sức tích cực mà nhiều sĩ tử mong muốn được nghe từ các bậc cha mẹ trong những ngày này", chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Dưới góc độ phụ huynh, TS Huỳnh Anh Bình khuyến cáo cần luôn đồng hành và động viên con, dù kết quả thi của con như thế nào vì với các con, phụ huynh là điểm tựa lớn nhất.

Nếu con thi không tốt, phụ huynh nên khéo léo và nhẹ nhàng với những câu nói hướng về tương lai như: "Không sao đâu con", "Con đã cố gắng hết sức và làm tốt rồi. Ba mẹ luôn tự hào về con", "Điểm chưa cao thì cũng còn có nhiều sự lựa chọn"...

Ngoài ra, phụ huynh nên thể hiện sự quan tâm với con em mình như hỗ trợ con đi lại, chăm sóc sức khỏe cho con; nhắc nhở con về giờ giấc, thời tiết, các giấy tờ; khuyên con không quá sa đà vào đáp án sau kỳ thi mà nên chăm sóc sức khỏe, tập trung vào môn kế tiếp…

Nếu môn thi đầu không tốt nên làm gì?

Theo PGS Trần Thành Nam, nếu ngay môn thi đầu con làm bài không tốt có thể sẽ gây ảnh hưởng tâm lý đến các môn thi sau. Cha mẹ hãy chia sẻ với con, hướng con đến suy nghĩ về hiện tại.

"Hãy nói với trẻ, những sự việc đã xảy ra trong quá khứ dù như thế nào cũng đã trải qua rồi và mình không thay đổi được nữa. Bởi vậy, thay vì lo lắng những việc đã qua thì cần tập trung vào hiện tại. Còn trong tương lai, chúng ta cũng không biết được sẽ như thế nào.

Nếu một đề thi con thấy khó thì cũng có thể nó khó chung với các bạn. Đó là cách giúp cho con có một tâm thế thoải mái hơn, để tập trung vào môn thi hiện tại và chuẩn bị tốt cho môn thi tiếp theo", ông Nam chia sẻ.

Cẩn thận khâu ăn uống

Trong ba ngày đi thi, nếu được thì tốt nhất các thí sinh nên ăn tại nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không ăn tại nhà được thì nên ăn quán quen, nếu không ăn được quán quen thì nên ăn món quen để giúp dạ dày được an toàn nhất lúc thi cử.

Trong thời gian này, nếu thí sinh cảm thấy cơ thể không khỏe nên tăng cường bổ sung vitamin cho cơ thể từ rau củ quả, nước ép trái cây.

Đồng thời nên ăn uống khoa học, tránh chọn món ăn theo quan niệm tâm linh. Thực tế nhiều phụ huynh, học sinh cố tình chọn ăn quá nhiều loại đậu để kết quả thi đậu; nhưng lại từ bỏ các món như trứng, bí đỏ, chuối... dù đây là những thực phẩm được các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo.

"Không sức khỏe, không có kỳ thi. Có sức khỏe, bẻ gãy gian nan. Hạn chế ra đường và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh từ nay cho đến kết thúc kỳ thi. Nên ăn uống thông minh sẽ tạo ra con người thông minh", TS Bình đúc kết.

'Đường dây nóng' sức khỏe mùa thi

Giúp thí sinh đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã cùng ngồi lại để thành lập nhóm tư vấn sức khỏe miễn phí cho các em.

Xem thêm: mth.770849072603202-tpht-peihgn-tot-iht-ed-gnuv-yl-mat-tot-eohk-cus-uig-oas-mal/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm sao giữ sức khỏe tốt, tâm lý vững để thi tốt nghiệp THPT?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools