Thông tin này được Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết tại hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM" (Nghị quyết 98) do Báo Người Lao Động tổ chức, sáng 27.6. Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua cách đây 3 ngày, có hiệu lực từ ngày 1.8.
Về hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với hệ thống đường bộ hiện hữu, ông An cho biết sẽ tập trung các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận thành phố như: quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22 mở rộng theo lộ giới quy hoạch, đầu tư đường trên cao.
Việc áp dụng hình thức này giúp kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.
Ông An nói thêm, trước khi luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, TP.HCM đã huy động nguồn lực xã hội gần 10.000 tỉ đồng đầu tư vào các dự án BOT, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.
Hiện Sở GTVT đã rà soát, đánh giá và đề xuất quy định, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của các doanh nghiệp tham gia đầu tư và danh sách các dự án BOT để UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 7.2023.
Đối với cơ chế áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3, phối hợp Sở QH-KT (đơn vị chủ trì đề án) đề xuất danh mục các dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết rút kinh nghiệm từ nghị quyết cũ không đạt kỳ vọng nên lần này TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện từ sớm, đề ra những nhiệm vụ cụ thể.
Trong tháng 7.2023, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM 8 tờ trình về các cơ chế, chính sách, các nội dung cụ thể về TOD, dự án BOT, thu hồi đất… Từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng như quý 3/2023 có 11 nhiệm vụ và quý 4/2023 có 34 nhiệm vụ, từng sở, ngành phải triển khai các đầu việc để hoàn thành.
"Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tất cả cơ chế, chính sách để thực hiện", bà Mai thông tin, đồng thời cho biết Bộ KH-ĐT đang phối hợp với thành phố để trình Chính phủ ban hành nghị định sớm nhất triển khai toàn diện nghị quyết này.
Đánh giá hiệu quả theo kết quả đầu ra
Góp ý cho TP.HCM, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần phối hợp các tuyến hành động để tập trung giải các bài toán tối ưu. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương cũng phải tham gia và liên thông trách nhiệm.
Ông Thiên cũng kiến nghị không chỉ TP.HCM được hưởng cơ chế này mà các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được hưởng để phát huy sức mạnh cộng hưởng.
Còn ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng cần phân định rõ vai trò quản lý và thực thi, đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy trên kết quả đầu ra chính là giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
"Các cơ chế mới cần gắn liền với giao quyền, giao trách nhiệm và đánh giá đầu ra. Kèm theo đó là chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức đủ để làm động lực thúc đẩy công việc", ông Cường nói. Song song đó, TP.HCM cần có thêm cơ chế thu hút người giỏi, chuyên gia, nhà khoa học để phát huy các cơ chế vượt trội.