Sáng 26-6, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tổng kết thi hành pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - chủ trì hội nghị.
Đề nghị xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Khuôn khổ pháp lý quốc tế cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc được thể hiện trong các chương VI, VII, VIII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam đã có nghị quyết 130 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nghị định 61 và 162, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Đại tá Phạm Mạnh Thắng - cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc - cho biết việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại các phái bộ thực địa đã được thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
Tuy nhiên, việc vận dụng các nghị quyết 130, nghị định 61, nghị định 162 để triển khai và bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ở phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi (EUTM - RCA) còn nhiều lúng túng, bất cập và chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của một số bộ, ngành liên quan.
Công tác điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc còn chưa được rõ nét, chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản.
Một số chế độ chính sách còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao, chưa bao quát hết các đối tượng được đề cập, chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Do đó, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Ông Trịnh Xuân An - ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - cũng cho rằng trước yêu cầu mới đặt ra cần tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc để hướng tới xây dựng, tạo một nền tảng pháp lý cao hơn.
Hệ thống pháp luật chưa theo kịp nhu cầu phát triển gìn giữ hòa bình
Phát biểu kết luận, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nhấn mạnh trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam được các nước đánh giá cao.
Đến nay, Việt Nam đã ký 9 bản ghi nhớ với các quốc gia đối tác về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, ông chỉ ra trong quá trình tổ chức thực hiện, nảy sinh nhiều vấn đề do sự phát triển của tình hình cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình đơn vị và cá nhân thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, hệ thống pháp luật hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu phát triển gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại các phái bộ...
Về công tác điều phối quốc gia, chưa thống nhất, chưa tập trung, chưa có trung tâm điều phối quốc gia.
Về một số chính sách đảm bảo cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao.
Ông chia sẻ với các cán bộ, sĩ quan đi gìn giữ hòa bình phải đối mặt với nhiều khó khăn như ở xa Tổ quốc, ở môi trường đa phương, môi trường quốc tế hoạt động rất nhạy cảm, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tiềm ẩn bệnh truyền nhiễm trên 90%..
Tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật đáp ứng thực tiễn, yêu cầu trong tình hình mới.
Trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ quan, đơn vị có liên quan, trước mắt là công binh, quân y tiếp tục quan tâm, tạo nguồn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, đặc biệt tăng tỉ lệ nữ.
Thượng úy Nguyễn Phước Tường, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam tại Nam Sudan, chia sẻ khi giao lưu với tuổi trẻ TP.HCM tối 14-6.