Sáng nay (28-6), hơn 1 triệu thí sinh (TS) trên cả nước bước vào bài thi đầu tiên là ngữ văn với 120 phút trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đề thi đảm bảo mức nhận biết, thông hiểu
Chia sẻ về đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kết quả của kỳ thi sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, theo thống kê, có trên 60% trường ĐH sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Với tính chất như vậy, định hướng đề thi sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu đồng thời chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp, là căn cứ để các cơ sở đào tạo ĐH sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo làm cơ sở để các trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi chính thức.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai các công việc nhằm đảm bảo đề thi tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh.
Vấn đề gian lận thi cử bằng công nghệ cao đã được Bộ GD&ĐT và Bộ Công an cảnh báo, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu ở mức độ cao nhất. Giải pháp quan trọng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức không chỉ TS, phụ huynh mà cả xã hội hiểu việc mua bán, sử dụng thiết bị này sẽ vi phạm pháp luật và bị xử lý.
Để hạn chế việc gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT triển khai quy định TS không được mang vật dụng cá nhân vào phòng thi. Các điểm thi phải bố trí các phòng giữ đồ cách phòng thi 25 m. Quy chế này đã được các trường phổ biến cho TS nắm rõ trước kỳ thi, tuy nhiên theo ghi nhận của PV thì chiều nay nhiều em vẫn đem rất nhiều vật dụng không được phép vào điểm thi.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Ảnh: VŨ LONG |
Về vấn đề này, ông Bùi Thiện Đạo, Trưởng điểm thi Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân, cho biết điểm thi đã bố trí hai phòng lớn cách các phòng thi 50 m để giữ đồ cho TS. Tại hai phòng này có bố trí hai giám thị để trông coi vật dụng cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình phổ biến quy chế, các giám thị cũng quán triệt TS không nên mang những vật dụng không được phép vào điểm thi để tránh mất thời gian đi gửi.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi
Nhiều địa phương đã chuẩn bị các phương án và triển khai nhiều giải pháp để kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc và an toàn nhất.
Tại TP.HCM sẽ thực hiện giao đề vào buổi sáng và nhận bài vào cuối mỗi buổi chiều cùng ngày, không để đề thi, bài thi qua đêm tại các điểm thi. Việc này sẽ có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng công an, nhằm đảm bảo tính bảo mật và an toàn tuyệt đối.
Tại tỉnh Đắk Lắk, công tác an ninh được chú trọng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho TS khi tham dự kỳ thi.
Số liệu tổng quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đồ họa: THÙY TRANG |
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở 33 điểm thi, trong đó có điểm thi Trường THPT Việt Đức ở xã Ea Tiêu.
“Công tác chuẩn bị không chỉ ở điểm trường này, mà những nơi khác cũng đã sẵn sàng cho kỳ thi. Công tác an ninh được công an tỉnh đảm bảo theo kế hoạch” - ông Khoa cho hay.
Tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, lực lượng công an đã được tăng cường để đảm bảo an toàn cho buổi làm việc đầu tiên. Bên ngoài điểm thi, lực lượng CSGT Công an huyện Cư Kuin cũng được bố trí để phân luồng giao thông cho các xe.
Sau một thời gian đi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết các địa phương đã chuẩn bị rất chu đáo về các công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các kịch bản, phương án dự phòng tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, PCCC, cung ứng điện... đều được các địa phương chuẩn bị.
Trong hôm nay và ngày mai, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ đi kiểm tra tại năm tỉnh, thành và động viên TS, cán bộ làm công tác thi.•
BÊN LỀ KỲ THI:
Thí sinh 64 tuổi dự thi tốt nghiệp tại TP.HCM
Cô Ngô Thị Kim Chi đang làm thủ tục dự thi. Ảnh: TRẦN MINH |
Ở độ tuổi 64, cô Ngô Thị Kim Chi, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, vẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp. Cô Chi cho biết cảm giác hồi hộp, lo lắng xen lẫn háo hức. Cô dự thi vì muốn thực hiện ước mơ còn dang dở là trở thành giáo viên để dạy chữ cho trẻ em nghèo.
“Nhà có đứa cháu năm nay cũng thi tốt nghiệp nên hai bà cháu thường xuyên trao đổi bài vở để tạo động lực. Tôi dang dở chuyện học hành nên giờ đây có cơ hội thì quyết tâm đi học để vừa tiếp thu kiến thức vừa truyền động lực cho các cháu” - cô Chi nói.
Theo cô Chi, do đã lớn tuổi nên việc ôn tập cũng khá vất vả. Nhiều kiến thức không hiểu, cô thường hỏi những học viên trẻ tuổi. “Giờ có sức khỏe, có thời gian, tôi đi học, đi thi để có thể giúp đỡ những học sinh nghèo không có điều kiện đến trường. Nghĩ đến điều đó đã khiến tôi vui và có động lực để tiếp tục con đường học vấn” - cô Chi bộc bạch. TRẦN MINH
Thí sinh khó khăn được hỗ trợ tận tình
Chiều 27-6, 105 thành viên trong đoàn công tác của hai trường là ĐH Nông Lâm TP.HCM và ĐH Xây dựng miền Trung đã bắt đầu làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra coi thi tại tỉnh Gia Lai.
Do đây là tỉnh có nhiều học sinh đồng bào dân tộc và có hoàn cảnh khó khăn nên trước khi diễn ra kỳ thi, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể của 17 huyện, thị xã và TP Pleiku đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ các em.
Ông Lý cho biết có 2.086 học sinh được hỗ trợ với 300.000-613.000 đồng/em. Tổng số tiền hỗ trợ TS lên đến hơn 930 triệu đồng.
Tại Cần Thơ, công tác xã hội hóa được các điểm thi, địa phương quan tâm, phối hợp hỗ trợ TS dự thi với tổng kinh phí xã hội hóa ước tính khoảng 756 triệu đồng. Cụ thể: Khoảng 29.100 chai nước suối, 4.098 suất ăn miễn phí, 5.900 dụng cụ học tập được cung cấp miễn phí cho TS; 34 TS được hỗ trợ xe đưa đón đến điểm thi; có trên 59 triệu đồng đã được trao cho các TS có hoàn cảnh khó khăn. PHẠM ANH