3/5 thị trường hàng đầu của rau quả Việt Nam là châu Á, chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc và ASEAN chiếm hơn 78% lượng gạo xuất khẩu hiện nay. Trong bối cảnh sụt giảm của xuất khẩu thủy sản, 2 thị trường ở châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ có sự sụt giảm nhẹ so với nhiều thị trường truyền thống khác như Mỹ và EU. Điều này cho thấy vai trò của thị trường châu Á trong việc tạo lực đỡ và hỗ trợ cho xuất khẩu của nhóm hàng quan trọng là nông, thủy sản.
Trong quý I, Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu được 15 triệu USD mặt hàng gạo, tăng 40% so với năm 2022. Ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp vừa trúng thầu cung cấp gạo 16.000 tấn vào thị trường Hàn Quốc vào tháng 9 năm nay. Giá tốt, nhu cầu tăng mang đến nhiều triển vọng cho tình hình kinh doanh.
"Gạo sẽ tiếp tục tăng và tiếp tục khan hiếm. Giá gạo Việt Nam từ từ tăng lên, có mặt bằng lớn", ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An, cho biết.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ ra, tính đến thời điểm quý I của năm nay, các thị trường xuất khẩu gạo tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á đều tăng mạnh như: Trung Quốc tăng 2 lần, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 3 lần hay Indonesia tăng 180 lần.
3/5 thị trường hàng đầu của rau quả Việt Nam là châu Á, chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Không chỉ mặt hàng gạo, rau quả cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm nay khi giá trị xuất khẩu tăng 63% so với năm 2022. 3 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp đến 1,4 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 5 tháng đầu năm.
"Trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng của lạm phát như hiện nay, thị trường Trung Quốc tăng mạnh, mình gần thị trường Trung Quốc nên đây là một lợi thế", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay.
Các mặt hàng trái cây, nông sản chế biến cũng được doanh nghiệp bán tốt tại những thị trường ASEAN.
"Đưa ra những gói hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu giúp họ giảm chi phí đầu vào, cộng thêm hỗ trợ về thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên Phân tích Vĩ mô, Công ty Chứng khoán ACBS, nhận định.
Bộ Công Thương kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có xu hướng phục hồi và tăng trở lại trong nửa cuối năm nay khi vào mùa vụ cao điểm. Trong khi chờ đợi sự hồi phục từ các thị trường lớn và truyền thống của nông sản Việt Nam như Mỹ và EU, việc đa dạng hóa và nắm bắt được nhu cầu từ thị trường rộng lớn là khu vực châu Á đã đóng góp những điểm sáng cho bức tranh xuất khẩu nông sản nửa đầu năm.
VTV.vn - Nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73371101182603202-a-uahc-iat-hcahk-tad-teiv-nas-gnon/et-hnik/nv.vtv