Nguyên nhân cả chủ quan và khách quan
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đến giữa tháng 6/2023 ở mức 3,36% so với cuối năm 2022 và 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Mức tăng trưởng tín dụng 3,36% trong hơn 5 tháng đầu năm 2023 là chưa đạt kỳ vọng. Từ tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, với mức tăng bình quân 11%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đề ra ngay từ đầu năm là 14 - 15%, hiện tại vẫn duy trì mục tiêu này. Hạn mức cho vay của các ngân hàng còn nhiều và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế đang dồi dào.
Ông Đào Minh Tú cho rằng, sở dĩ tăng trưởng tín dụng thấp do một số nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Cụ thể, tín dụng giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm, một số doanh nghiệp lớn không có nhu cầu tín dụng, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn lại khó đáp ứng được điều kiện mà ngân hàng đưa ra. Trong khi đó, tiền cho vay của ngân hàng là tiền huy động từ dân cư nên các ngân hàng rất thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng để cho vay, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro nợ xấu. Ngành ngân hàng nhận thấy, các doanh nghiệp rất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, một bộ phận doanh nghiệp cắt giảm công nhân, người lao động, trong khi giá đầu vào tăng, còn sức mua, sức cầu cả trong và ngoài nước suy giảm.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng chậm, nhưng các ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng luôn đi kèm với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi nếu hạ chuẩn đồng nghĩa với rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Thực tế hiện nay, tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng vẫn dưới 3%, nhưng nợ tiềm ẩn đang có dấu hiệu tăng.
Với xu hướng lãi suất giảm dần, tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới. Mặc dù vậy, lãnh đạo không ít ngân hàng chia sẻ, trong lúc này tìm được khách hàng tốt để cho vay rất khó, nhất là khi các ngân hàng cạnh tranh trong cho vay. Ngược lại, một lãnh đạo của Vietcombank cho hay, nhu cầu trả nợ trước hạn của một bộ phận khách hàng gia tăng, nhằm giảm áp lực lãi vay, cho dù mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm so với cuối năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, trong đó có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nửa cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Sẽ giao hạn mức tín dụng cả năm 2023
Việc tiếp cận vốn tín dụng phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Khác với các năm trước, nhu cầu tín dụng tăng cao nên hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng của nhiều ngân hàng sớm được sử dụng hết, năm nay ngân hàng còn nhiều dư địa cho vay.
Theo ông Đào Minh Tú, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao hạn mức tín dụng cả năm 2023 cho các ngân hàng, trên cơ sở đánh giá khách quan, rõ ràng, phù hợp. Theo đó, các ngân hàng tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, nhưng đảm bảo không hạ chuẩn cho vay, bởi nợ xấu bắt đầu tăng.
Trước đó, ngày 19/6/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho từng ngân hàng; khơi thông dòng vốn, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, về phía khách hàng, việc tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính. Nếu không đủ điều kiện thì ngân hàng không thể cho vay. Còn phía ngân hàng, lãi suất cho vay ở mức cao, doanh nghiệp cũng không mặn mà vay vốn.
TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần trong hơn 3 tháng qua, song không ít doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Hiện tại, ngành ngân hàng vẫn còn dư địa để giảm thêm lãi suất, nếu không có dư địa thì cơ quan quản lý có chỉ đạo quyết liệt cũng khó có thể thực hiện. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2023 đã hạ nhiệt xuống mức 2,43%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu không quá 4,5% được Quốc hội thông qua cho năm 2023. Trong đó, lạm phát tổng thể giảm từ mức 2,81% tháng 4 xuống 2,43% tháng 5; lạm phát cơ bản giảm ít hơn, từ 4,56% xuống 4,54%. Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý vẫn là thận trọng với lạm phát, nhưng không còn là nỗi lo như trước.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, với bối cảnh lạm phát đang trên đà giảm, nhưng xuất khẩu giảm mạnh, sản xuất công nghiệp giảm, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn về tài chính, về đầu ra, tín dụng tăng thấp, nên quyết định giảm thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là phù hợp. Việc hạ lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, nhất là về nghĩa vụ tài chính, qua đó giúp kích cầu tín dụng.
Có ý kiến lo ngại lãi suất giảm có thể khiến lạm phát tăng lên, nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc này không đáng lo, bởi chỉ tiêu lạm phát năm nay được Chính phủ đề ra là 4,5% đã tính đến các tác động về tăng lương, tăng giá điện… Chính phủ quan ngại về tình trạng đình trệ sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp khó khăn dẫn đến nguy cơ đổ vỡ nên đang tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, do sức khoẻ của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu nên cần có thời gian để thẩm thấu chính sách hạ lãi suất.