Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi ngày 28-6 tại Hà Nội.
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Dũng - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - cho hay trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ có nhiều điểm thay đổi, đặc biệt là mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Dũng nêu rõ dự thảo với mục tiêu đảm bảo quyền lợi, tạo công bằng và thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, đặc biệt bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
"Ngoài chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo quy định hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả khi sử dụng các dịch vụ: dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai; sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó bổ sung chi trả khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sử dụng vắc xin, sinh phẩm và dinh dưỡng sử dụng trong điều trị.
Người tham gia bảo hiểm y tế được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu quản lý", ông Dũng cho hay.
Ngoài ra Bộ Y tế đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến đóng góp, bà Tống Thị Song Hương - nguyên vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - ủng hộ việc mở rộng nhiều nội dung, dự phòng tích cực, bổ sung chi trả khám sàng lọc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm y tế.
"Việc mở rộng khám sàng lọc, định kỳ sức khỏe cho người dân sẽ làm giảm gánh nặng điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực tế quỹ bảo hiểm y tế còn hạn chế. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi chi trả cần có lộ trình, có thể mỗi năm bổ sung sàng lọc một vài bệnh lý.
Bộ Y tế cần đánh giá tác động, đưa ra lộ trình cụ thể để không gây khó khăn trong thực hiện", bà Hương nhận định.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định cần thêm quy định chặt chẽ trong việc chỉ định điều trị nội trú hưởng bảo hiểm y tế, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế, chuyển tuyến không cần thiết làm ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm y tế.
Luật có tác động lớn, cần kỹ lưỡng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến người dân.
"Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực trạng, tác động đầy đủ đối với các chính sách và tham vấn ý kiến kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành, nhất là Luật Khám chữa bệnh. Đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Sau hội thảo, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia tiếp tục phối hợp góp ý, hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ chỉnh sửa và hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vào tháng 5-2024", ông Thuấn nêu.
Hiện nước ta có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên bị khuyết tật và 13% gia đình có người khuyết tật, nhưng nhiều người đang gặp khó vì thiếu dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng.