Hãng dược Marion Biotech mua chất propylene glycol (PG) từ Maya Chemtech India, nhưng Maya không có giấy phép bán dược liệu mà chỉ bán nguyên liệu công nghiệp, nguồn tin nắm được thông tin cuộc điều tra Marion tiết lộ.
“Chúng tôi không biết Marion sẽ dùng nguyên liệu đó để sản xuất xi-rô. Chúng tôi không được thông báo họ dùng để làm gì”, nguồn tin nói.
Hai nguồn tin cho biết, xi-rô của Marion được làm từ PG công nghiệp, một loại nguyên liệu thường được sử dụng để cho vào nước giặt, chất chống đông, sơn hoặc chất phủ, hoặc để nâng cao hiệu quả của thuốc trừ sâu.
“Marion mua propylene glycol công nghiệp”, một nguồn tin khác tiết lộ.
Một nhà điều tra cho biết, Marion không thử nghiệm nguyên liệu trước khi sử dụng để làm xi-rô bán sang Uzbekistan.
Phân tích được Bộ Y tế Uzbekistan thực hiện năm ngoái của cho thấy xi-rô ho do Marion sản xuất, với tên thương mại là Ambronol và DOK-1 Max, chứa lượng chất độc diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức không thể chấp nhận được. Những chất này không được phép đưa vào sản phẩm dành cho con người.
Tháng 1 năm nay, Uzbekistan bắt 4 người liên quan đến 19 trường hợp trẻ em thiệt mạng, trong đó có 2 lãnh đạo của một công ty nhập khẩu sản phẩm từ Marion.
Reuters dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trong năm 2021, khi giá propylene glycol tăng vọt, một hoặc nhiều nhà cung cấp đã trộn chất lỏng độc hại rẻ tiền thay cho hóa chất hợp pháp.
Các xét nghiệm do một phòng thí nghiệm của Chính phủ Ấn Độ thực hiện cho thấy, 22 mẫu xi-rô do Marion sản xuất là sản phẩm “pha tạp và giả mạo”.
Chính quyền bang Uttar Pradesh, nơi Marion có nhà máy, thu hồi giấy phép của hãng này từ tháng 3 năm nay. Cảnh sát bắt giữ 3 nhân viên và phát lệnh bắt 2 giám đốc.
Ngoài các trường hợp tử vong ở Uzbekistan, ít nhất 70 trẻ em ở Gambia thiệt mạng năm ngoái, sau khi được cho uống xi-rô chứa chất độc do một hãng dược khác của Ấn Độ sản xuất. Xi-rô chứa chất độc cũng liên quan đến hơn 200 trường hợp trẻ em tử vong ở Indonesia trong năm 2022.
Những trường hợp này dẫn đến một cuộc điều tra quốc tế để đánh giá lại các chuỗi cung cấp dược phẩm.