Công ty cổ phần FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu của Việt Nam. Theo báo cáo kết quả kinh doanh, FPT ghi nhận doanh thu thuần trong quý 1/2023 đạt 11.681 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của công ty đạt 2.121 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tương ứng trong 5 tháng đầu năm đạt 22,9% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài của công ty ghi nhận doanh thu trong quý 1 tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và 5 tháng đầu năm. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng của năm 2023 đã tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt, như Mỹ (trong quý 1 tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14% trong 5 tháng đầu năm). Tại châu Á-TBD, quý 1, FPT đã tăng 65,7% và tăng 50,4% trong 5 tháng đầu năm so với năm ngoái. Thị trường châu Âu tăng trưởng 10% trong quý 1 và tăng 14% trong 5 tháng.
Nhật Bản và Mỹ vẫn là hai thị trường lớn nhất của FPT, lần lượt đóng góp 37% và 30% doanh thu của mảng này, tiếp theo là châu Á-TBD 26% và Châu Âu 7%.
Doanh thu từ thị trường Nhật Bản đã có sự phục hồi, tăng 31,2% trong quý 1 và 41% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Nhật được kỳ vọng trở lại mức tăng trưởng cao 25 - 30% trong 2023 do các khách hàng đầu tư trở lại cho các hoạt động CNTT và nhu cầu chuyển đổi số gia tăng sau dịch COVID-19. FPT đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài trong 2023.
Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng 28% trong quý 1 và 38% trong 5 tháng đầu năm, nâng tỷ trọng đóng góp lên 42,3% doanh thu của mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài. FPT nhấn mạnh vào các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)/phân tích dữ liệu, low code...
Hoạt động dịch vụ CNTT thị trường trong nước ghi nhận doanh thu giảm 8,4% trong quý 1 mặc dù tăng 7% trong 5 tháng đầu năm do các doanh nghiệp cắt giảm, hoãn các khoản đầu tư cho CNTT trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trong khi chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế, FPT nhắm đến khu vực công để tạo ra tăng trưởng do hoạt động chuyển đổi số trở nên sôi động hơn không chỉ ở các doanh nghiệp mà cả khu vực công trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo tính toán, mảng dịch vụ CNTT trong nước có thể chỉ tăng một chữ số trong năm 2023.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông trong quý 1 lần lượt tăng 11,3% và 14,2%, đạt 3.695 tỷ đồng và 723 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của dịch vụ băng thông rộng, đóng góp lớn nhất,tăng 7,1% trong khi các hoạt động khác tăng 16,1%. Biên lợi nhuận trước thuế chung của mảng dịch vụ viễn thông đạt 19,6% trong quý 1 so với 19,1% trong quý 1/2022 chủ yếu do chưa thực hiện chi một số khoản đầu tư cho hạ tầng.
Trái ngược với mảng dịch vụ viễn thông, hoạt động quảng cáo trực tuyến có kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý với doanh thu giảm 37% và lợi nhuận trước thuế giảm 99% do nhiều doanh nghiệp cắt giảm ngân sách quảng cáo trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Hoạt động giáo dục tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 47%, đạt 1.412 tỷ đồng. FPT định hướng tiếp tục triển khai mở rộng theo cả chiều dọc và chiều ngang, với hệ sinh thái đào tạo phủ rộng khắp các bậc học, trải rộng nhiều lĩnh vực đào tạo và hiện diện mạnh mẽ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
"Nhìn chung, trong khi mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài, dịch vụ viễn thông và giáo dục có thể tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, các hoạt động còn lại như dịch vụ CNTT thị trường trong nước, quảng cáo trực tuyến và các công ty liên kết có triển vọng kém khả quan trong năm nay.
Khoản mục lợi nhuận từ các công ty liên kết, bao gồm Synnex FPT và FPT Digital Retail, giảm 79% trong qúy 1/2023 do sức mua yếu. Chúng tôi dự phóng FPT có thể đạt doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 2023 là 53.188 tỷ đồng (tăng 20,9% ) và 9.011 tỷ đồng (tăng 17,6%)", báo cáo vừa công bố của Công ty chứng khoán ACBS nhận định.
Cùng với đó, công ty chứng khoán này nhận định giá mục tiêu của cổ phiếu FPT là 96.646 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất sinh lợi 15,0% vào cuối 2023.