Tối 28-6, Sở Y tế TP.HCM thông tin tình hình dịch bệnh trong tuần 25 (từ ngày 19 đến 25-6) trên địa bàn thành phố.
Cụ thể trong tuần 25, TP.HCM ghi nhận 779 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi (116,2%) so với trung bình 4 tuần trước (360 ca). Trong đó số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.
Trong tuần ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ huyện Cần Giờ có số mắc mới không đổi.
Như vậy, tính đến tuần 25, số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy là 3.736 ca, thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022 (7.144 ca).
Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng và tử vong, nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng, cụ thể là thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) tại TP.HCM còn khó khăn. Sở Y tế TP.HCM đề nghị cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc này.
Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong tuần 25, thành phố ghi nhận 197 trường hợp mắc bệnh, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 11,4 % và 24,6%.
Trong tuần này có 12/22 quận, huyện và 23/312 phường, xã có số ca bệnh tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.
Như vậy, số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là 8.298 ca, thấp hơn 53,2% so với cùng kỳ năm 2022 (17.733 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Qua giám sát điểm nguy cơ sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phát hiện có 12/24 điểm có lăng quăng (tại các quận 12, 4, 7, 11, 1, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức).
Trước tình hình dịch chồng dịch, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn.
Chủ động phòng bệnh tay chân miệng
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người chăm sóc và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng với nhiều ca bệnh nặng, tử vong nhưng TP.HCM lại thiếu nguồn cung ứng thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG).