Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại điểm thi Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, thí sinh Thào Thị Thanh, học sinh lớp 12A Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Si Ma Cai, khẳng định: "Đối với em, con đường học là con đường duy nhất để em thành công, nếu không học em sẽ không bắt kịp xã hội và tụt hậu".
Học để làm gương cho các em
Thào Thị Thanh sinh năm 2005, trú tại thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Gia đình Thanh gồm bố mẹ, anh trai, Thanh và 4 người em.
Thanh cho biết bố em thường đi làm thuê xa nhà, mẹ làm nông, tổng thu nhập của cả bố và mẹ được khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng phải gánh 8 miệng ăn và hàng loạt chi phí.
Hiện tại 5/6 anh em đều vẫn đang đi học, duy nhất em gái sau Thanh đã nghỉ học.
Về học tập, Thanh cho biết em luôn duy trì học lực ở mức khá giỏi ở trên lớp những năm cấp tiểu học và trung học. Đến cấp phổ thông, Thanh bắt đầu "cày cuốc" để đạt mục tiêu xét tuyển đại học. Trên lớp Thanh luôn cố gắng duy trì là một trong những học sinh tốp đầu trong trường.
"Với em, việc duy trì thành tích học tập trên lớp là một "kỳ tích" dựa trên cố gắng, nỗ lực. Gia đình em kinh tế rất khó khăn nên việc học thêm với em là không thể. Phương pháp học của em đơn giản chỉ là tự học, ôn luyện thật kỹ kiến thức thầy cô giảng dạy trên lớp và luyện đề miễn phí trên mạng. Em là chị lớn, em phải học, học để làm tấm gương cho các em noi theo", Thanh nói.
Ước mơ làm cô giáo vùng cao
Trong khi đa số các bạn cùng trường chọn tổ hợp khoa học xã hội để dùng khối C xét tuyển đại học, Thanh quyết tâm theo khối D để xét tuyển vào ngành sư phạm tiểu học, Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên.
"Từ khi xác định được mục tiêu, em nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Ngoại trừ các giờ học trên lớp và giờ tự học 2 tiếng mỗi ngày theo quy định của nhà trường, thì sẽ dành thêm thời gian về khuya để ôn thi khối D", Thanh kể.
Do không có điều kiện để học thêm, Thanh tự mày mò ôn luyện bằng cách sưu tầm tất cả các đề thi toán, văn, tiếng Anh mà các thầy cô cho ôn luyện chuyên sâu trên lớp để luyện thêm. Ngoài ra Thanh tìm các nguồn đề thi trên mạng, hội nhóm để mở rộng kiến thức, luyện chuyên sâu.
Với môn tiếng Anh, Thanh tự học bằng cách nghe nhạc, đọc truyện tiếng Anh, từ đó cải thiện khả năng nghe, phát âm và rèn luyện phản xạ nhanh hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Chở (mẹ Thanh) rưng rưng cho biết khoảng 2 tháng nay Thanh chưa về nhà vì em quyết tâm ôn luyện để thực hiện ước mơ thành cô giáo.
"Gia đình đông con, vất vả, nhưng thấy các con được đi học và học giỏi tôi rất vui. Tôi ủng hộ Thanh xét tuyển vào ngành sư phạm để cuộc sống sau này đỡ vất vả như bố mẹ, tuy nhiên nếu Thanh đi học xa tôi sẽ rất lo và nhớ Thanh", bà Chở nói.
Thầy Trương Triều Thắng, giáo viên chủ nhiệm của Thanh, cho biết ở lớp Thanh là một học sinh ngoan, học giỏi, luôn cố gắng phấn đấu trong học tập.
Thanh có nhiều thành tích tốt, năm học 2022 - 2023 đạt học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 11 đạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
Tuy nhiên thầy Thắng bày tỏ lo lắng: "Khó khăn nhất của các em học sinh vùng cao là sau khi học xong lớp 12 là đi học đại học, khi này các em cần một khoản tiền lớn để trang trải, và Thanh cũng không ngoại lệ".
TTO - Sáng 9-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Ninh Bình và các tỉnh, thành đoàn khu vực phía Bắc tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 63 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.