Ngay khi có thông tin về đề thi đã có những ý kiến trái chiều, nhất là với câu 2 của phần 2 (làm văn) có ngữ liệu trích từ tác phẩm Vợ nhặt.
Đề văn năm nay vẫn là một cấu trúc quen thuộc không có phá cách. Nó cũng an toàn vì đảm bảo đủ yêu cầu: có ngữ liệu trong và ngoài sách giáo khoa, phần lớn yêu cầu cơ bản nhưng phần nào cũng có những ý nhỏ hoặc câu mở có tính phân hóa.
Để đáp ứng mục tiêu kép (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học) thì đề thi không có những vấn đề lớn để chê. Nhưng nhiều giáo viên mong muốn một sự đột phá, có cơ hội cho thí sinh thỏa chí sáng tạo thì không thấy thỏa mãn.
Dự báo ít điểm 7 trở lên
Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng đề thi văn năm nay cơ bản không thay đổi nên các dạng câu hỏi không bất ngờ đối với thí sinh. Ở phần đọc hiểu trong đề thi, cô Tuyết cho rằng bốn câu hỏi được phân loại ở ba cấp độ.
Trong đó có tới hai câu chỉ ở mức độ nhận biết. Việc bớt đi một mức độ theo ma trận đề thi của phần này, theo cô Tuyết, "phần nào hạ thấp khả năng nhận thức của phần đông thí sinh". Quan điểm của cô Tuyết là nên có các câu hỏi phân bố tăng dần ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như ma trận đề thi của Bộ GD-ĐT.
Cô Phạm Thu Phương, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng cho rằng các câu trong phần đọc hiểu quen thuộc, không khó nên học sinh có thể đạt điểm tối đa. Phổ điểm của phần này sẽ khoảng 2 - 2,5 điểm.
Các cô giáo dạy văn THPT ở Hà Nội đều cho rằng phần làm văn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc. Câu nghị luận xã hội tình cờ trùng chủ đề với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vừa diễn ra hai tuần trước: bàn về làm chủ, cân bằng cảm xúc bản thân.
Theo cô Thu Tuyết, dù quen thuộc nhưng chủ đề của phần nghị luận xã hội đề cập đến một trong những kỹ năng sống không thể thiếu trong thời đại có quá nhiều biến động. Đây là chủ đề có ý nghĩa với học sinh ở lứa tuổi 18.
Cô Thu Phương dự đoán phổ điểm câu nghị luận xã hội khoảng 1 - 1,5 điểm, còn phần nghị luận văn học có thể ở khoảng 3 - 3,5. Những học sinh có năng lực cảm thụ văn học tốt có thể đạt điểm 4,0 trở lên.
Với dự đoán trên, tổng điểm bài thi văn sẽ phổ biến ở khoảng 5-6 điểm, điểm 7 trở lên sẽ ít dần. Những học sinh có năng lực học văn tốt mới có thể đạt điểm 8 trở lên.
"Quá xa so với lứa tuổi 18"
Cô Thu Tuyết cho rằng đoạn ngữ liệu ở phần nghị luận văn học được trích trong tác phẩm Vợ nhặt có âm hưởng tươi sáng nhưng cô vẫn có cảm giác tiếc nuối khi ngữ liệu chọn để nghị luận không phải đoạn hay nhất, tiêu biểu nhất cho tài hoa của nhà văn Kim Lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lý, khắc họa chân dung nhân cách, thân phận của các nhân vật.
Với một đoạn ngữ liệu "lệch tủ" này, có thể nhiều học sinh sẽ gặp khó. Theo cô Nguyễn Kim Anh, mặc dù câu hỏi ở phần này khá quen thuộc nhưng vẫn cần sự tinh ý của thí sinh.
"Hiểu tâm lý nhân vật trong hoàn cảnh đó thì phân tích lời thoại mới sâu và hay", cô Kim Anh nhận xét. Trong khi đó, đây không phải đoạn ngữ liệu được giáo viên ưu tiên dạy kỹ cho học sinh.
Cũng liên quan tới đoạn trích trong tác phẩm văn học quá quen thuộc với thí sinh mấy chục năm qua, ý kiến của một số nhà giáo cũng cho rằng quá buồn cho đề văn năm nay vì chọn một tác phẩm đã quá xa với đời sống của lứa tuổi 18 hiện nay.
Đã thế, đoạn trích lại không tiêu biểu cho bút pháp của nhà văn, một trong những yếu tố có thể khích lệ ngòi bút sáng tạo của học sinh.
Không thể làm vừa lòng cả xã hội
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là năm cuối cùng thi theo chương trình cũ. Học sinh lớp 12 năm nay là lứa học sinh gần cuối cùng, học và thi theo chương trình cũ.
Như vậy, nếu đề thi đổi mới, bứt phá như ý kiến của một số người thì liệu thí sinh cả nước có đáp ứng được không? Và người chịu thiệt thòi không ai khác chính là học sinh.
Đề thi văn không thể làm vừa lòng cả xã hội. Chỉ cần đề thi đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi, phân hóa được thí sinh coi như đạt yêu cầu.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An
(giáo viên môn văn Trường THPT Gia Định, TP.HCM)
Hay, dung hòa được các mục tiêu
Thầy Nguyễn Tấn Huy, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, khẳng định: "Đề thi năm nay là hay. Hay không phải vì nội dung đề thi độc đáo, mới lạ, sáng tạo. Hay vì đề thi ra theo cấu trúc quen thuộc, nằm trong chương trình mà học sinh đã học nhưng vẫn phân hóa được thí sinh, vẫn tạo "đất" cho thí sinh giỏi thể hiện".
Thầy Huy cho rằng đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi ở khắp mọi miền đất nước với nhiều trình độ khác nhau và nhiều mục tiêu khác nhau.
Ngoài ra, đây cũng là lứa học sinh đang học và thi theo chương trình cũ. Thế thì đề thi phải dung hòa được yếu tố này, để thí sinh có thể tốt nghiệp THPT và lấy điểm xét tuyển vào đại học.
"Câu nghị luận xã hội không đặt ra một vấn đề chính trị - xã hội to lớn nào mà yêu cầu thí sinh viết về sự cân bằng cảm xúc. Chủ đề này tôi cho rằng rất thiết thực và gần gũi với thí sinh. Các em sẽ viết ra bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình.
Tương tự với câu hỏi nghị luận văn học: yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt. Đoạn trích này thể hiện được chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Thí sinh cũng không cần phải học thuộc lòng và nhớ những chi tiết tỉ mỉ của tác phẩm như trước đây. Thay vào đó, ngữ liệu đã có sẵn trong đề thi. Bài làm có tốt hay không phụ thuộc vào khả năng cảm thụ và phân tích đánh giá của từng thí sinh" - thầy Huy nói.
Đề thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được nói khó hơn năm trước, phân hóa mạnh. Giáo viên nhận định phổ điểm khoảng 6-7.