Đề xuất trên được bà Sunita Dubey, Đại diện Quốc gia GEAPP tại Việt Nam đưa ra sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt gần đây và sau đợt cắt điện ở miền Bắc vừa qua.
Bà Sunita Dubey là chuyên gia kỹ thuật 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tại Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi.
Đến cuối 2022, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và gió của Việt Nam đạt khoảng 20,1 GW. Bà Sunita Dubey đánh giá đây là công suất "đáng kể", nhưng việc tận dụng hoàn toàn công suất từ những nguồn năng lượng sạch này vẫn khó do hạn chế trong mạng lưới truyền tải và phân phối điện.
Nguồn năng lượng tái tạo phân bổ không đều, tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam, nên dù chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, điện tại miền Bắc vẫn thiếu trong một số thời điểm của mùa hè.
Nhằm vượt qua thách thức và hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch bền vững, Chính phủ đã đưa ra những chiến lược trong Quy hoạch điện VIII. Trong đó, mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên 47% vào năm 2030 nếu các nguồn hỗ trợ quốc tế được triển khai đầy đủ, thực chất.
Tuy nhiên, bà Sunita Dubey lưu ý, để quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra đúng tiến độ, cần xem hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) là "đòn bẩy quan trọng" trong việc kết hợp nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện, đảm bảo tính an toàn và tin cậy.
Về kỹ thuật, BESS có thể cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng lưới, hàng loạt dịch vụ năng lượng (dịch chuyển năng lượng điện theo thời gian) và dịch vụ phụ trợ (điều chỉnh tần số và dự trữ xoay). Hay nói cách khác, BESS giúp cải thiện sự ổn định của lưới điện, quản lý nhu cầu cao điểm và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng của đất nước thuận lợi hơn.
Trong Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ đặt mục tiêu hệ thống pin dự trữ đến năm 2030 dự kiến đạt công suất khoảng 300 MW, chiếm 0,2% cơ cấu nguồn điện. Giải pháp này sẽ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí phân tán gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc các trung tâm phụ tải.
Nhưng theo tính toán của bà Sunita Dubey, trong những năm còn lại đến 2030, để đạt mục tiêu 47% là năng lượng tái tạo, cần có hệ thống pin lưu trữ công suất lớn hơn 300 MW. "Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch hành động và khung chính sách cụ thể để thực hiện và đạt được quy mô mong muốn", bà khuyến nghị.
Đến nay, cả nước chỉ có một số ít hệ thống BESS nhỏ được các công ty tư nhân thử nghiệm. Tuy nhiên, quy định không rõ ràng đã làm chậm tiến trình phát triển các hệ thống này kết nối lưới điện, mặc dù chúng đã được pháp luật công nhận thông qua Quy hoạch điện VIII, theo bà Sunita Dubey.
Bà gợi ý Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương thử nghiệm các dự án hệ thống BESS kết nối lưới điện. Kết quả sẽ giúp xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, chính sách quy định và pháp lý, cùng với cơ chế tài chính để thu hút đầu tư triển khai quy mô lớn cho các hệ thống pin lưu trữ.
Một điểm thuận lợi của Việt Nam được chỉ ra là đã có những thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu hệ thống BESS ra thị trường quốc tế. Các công ty như VinES, Fluence đã sản xuất và lắp ráp BESS. Gần đây, hai công ty Trung Quốc đã tiếp cận chính phủ với ý định đầu tư lên đến 900 triệu USD để xây dựng một cơ sở sản xuất BESS tại Việt Nam.
Theo chuyên gia, Đài Loan là một trong những thị trường năng lượng lưu trữ sôi động nhất châu Á - Thái Bình Dương. Sự tăng trưởng của hệ sinh thái năng lượng được thúc đẩy bởi sự cam kết của chính quyền địa phương về năng lượng tái tạo và mục tiêu giảm khí thải net zero. Công ty điện lực Taipower đặt mục tiêu đạt công suất BESS vào năm 2025 đạt 1.000 MW.
Hay như Hàn Quốc đang chủ động thúc đẩy phát triển và triển khai công nghệ BESS. Ở cả Đài Loan và Hàn Quốc, việc mở rộng quy mô BESS bắt đầu bằng các dự án thử nghiệm. Vào năm 2017, Hàn Quốc thực hiện 3 dự án thử nghiệm đầu tiên tại các trạm biến áp, các khu vực năng lượng tái tạo và các tòa nhà.
Trong khi, Ấn Độ đang nhận hỗ trợ từ GEAPP, cung cấp tài trợ ưu đãi cho dự án thử nghiệm BESS 20MWh. GEAPP Ấn Độ đang lên kế hoạch hỗ trợ đánh giá một danh sách các dự án có công suất khoảng 200 MW ở khu vực Bắc, Nam và Tây.
Với Việt Nam, GEAPP cũng cam kết hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, kiến thức và kinh nghiệm cho dự án BESS. GEAPP là tổ chức thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh và các giải pháp năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, ra mắt tại Hội nghị COP26. Tổ chức này sáng lập bởi quỹ Rockefeller, quỹ IKEA và quỹ Trái đất Bezos, mục tiêu huy động 100 tỷ USD, giải quyết 3 vấn đề: năng lượng, khí hậu và việc làm.
Viễn Thông