Vài lần nghe tin về kỷ lục áo dài trong hơn chục năm qua, người đọc thôi thì cũng tặc lưỡi bỏ qua, coi nó như vô vàn kỷ lục mà chốc chốc lại thấy được công bố.
Nhưng tới thông tin về chiếc áo dài "Dấu ấn thời gian" có chiều dài 189m, nặng 200kg, đính đá và in nổi 468 hoa văn họa tiết cổ vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục thì dư luận bỗng… hết kiên nhẫn.
Bộ ảnh phô cái vạt áo thật dài trước những địa điểm lịch sử, kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội bỗng tràn ngập mạng xã hội với những lời chế giễu từ hài hước nhẹ nhàng tới một chút khắc nghiệt.
Chỉ trong vòng hai tháng, hai chiếc áo dài lần lượt được công bố kỷ lục áo dài dài nhất, nặng nhất.
Mới hai tháng trước, chiếc áo dài "Non sông gấm vóc" dài 220,6m, trọng lượng gần 250kg đã xác lập kỷ lục chiếc áo dài đính kết thủ công, giới thiệu và quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam có kích thước dài nhất.
Tại Lễ hội đền Hùng và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 diễn ra tháng 4 ở Phú Thọ, không chỉ tà áo này được xác lập kỷ lục mà còn có thêm hai kỷ lục khác cũng liên quan tới áo dài là cung đường trình diễn dài nhất Việt Nam với hơn 500m tại cầu đi bộ vượt công viên Văn Lang (Phú Thọ) và số lượng người mặc áo dài tham dự sự kiện văn hóa, nghệ thuật đông nhất Việt Nam - gần 4.000 người.
Để nhấn mạnh vào kích thước của tà áo "Non sông gấm vóc", nhà thiết kế còn tiết lộ với truyền thông rằng phải chia nhỏ tà áo để có thể đưa lên máy bay từ TP.HCM ra Phú Thọ trình diễn. Sau đó, để mang được chiếc áo dài lên cầu đi bộ trình diễn, nhà tổ chức phải cần đến sáu thanh niên khỏe mạnh mang vác.
Còn nhớ hơn chục năm trước, kỷ lục Guinness Việt Nam đã được trao cho chiếc áo dài "Hội trùng dương" chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chiếc áo dài được giới thiệu có chín tà, mỗi tà dài 100m, làm từ chất liệu lụa truyền thống cả ba miền như Vạn Phúc, Hà Đông, Tân Châu, Lãnh Mỹ A, Lâm Đồng... và sử dụng hơn 0,5kg vàng, 2.000 viên kim cương.
Ừ thì lâu nay nhiều người đã ngán ngẩm với đủ loại kỷ lục ồn ào và lắm khi rất vớ vẩn nữa, từ bánh chưng to nhất, nón hoa loa kèn to nhất, chiếc ram cuốn dài nhất, vườn cây hoa nhài hai lá và ba lá trồng chậu có số lượng cây nhiều nhất…
Với áo dài, các nhà thiết kế và những người xác lập kỷ lục cho áo dài nói họ muốn tôn vinh, quảng bá áo dài bằng các kỷ lục. Nhưng "chiêm ngưỡng" các kỷ lục này, nhiều người không khỏi... thương cho tà áo dài Việt.
Chẳng phải lâu nay tà áo dài vẫn được ví von như tâm hồn của người phụ nữ thanh lịch, sang trọng mà ý nhị, giản dị - những phẩm chất trái ngược hoàn toàn với những phô trương dài nhất, nặng nhất, dù là mượn tà áo dài thật dài để biểu diễn văn hóa Việt?
Mê kỷ lục thì cũng chẳng có gì sai. Nhưng khi mải miết xác lập những kỷ lục to nhất, dài nhất, nặng nhất..., ta cũng đừng quên mất lời cha ông: "thùng rỗng kêu to".
Những kỷ lục kiểu bất chấp về tính thực tế ấy, chưa biết cần thiết thế nào, thiên hạ nhìn vào dễ nghĩ ngay ấy là những ghi nhận cho cái mã hay danh hão. Mà để xin được xác lập kỷ lục, tiền bỏ ra chẳng ít.
Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tính đến năm 2022, sau 18 năm thành lập, tổ chức này đã xác lập được gần 3.000 kỷ lục Việt Nam tại 63 tỉnh thành. Tính ra, trung bình cứ 2-3 ngày lại có thêm một kỷ lục ở đất nước mình.
"Tôi mặc chiếc áo dài này như đang mang trên mình biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam".