Trong hơn 100 dự án bất động sản đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM giải quyết hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, có đến 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm nhà ở thương mại.
Vì sao các doanh nghiệp lại "tắc" ngay ở khâu khởi đầu này?
Quá ít dự án bất động sản được cấp chủ trương đầu tư
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết việc có đến 62 dự án ở TP không đáp ứng điều kiện làm nhà ở thương mại thể hiện ngay từ khâu khởi đầu đã gặp vướng.
Theo ông Châu, hai năm rưỡi qua, tại TP chỉ có 11 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó năm 2021 giải quyết 7 dự án, năm 2022 giải quyết 2 dự án và tới 31-5 vừa rồi thì giải quyết thêm 2 dự án.
Trong khi đó, đối với các dự án nhà ở xã hội cũng như dự án condotel, officetel thì thời gian qua không có dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo ông Châu, cả một quy trình đầu tư, xây dựng dự án phải "đứng hình" ngay ở khâu đầu tiên.
Đánh giá về nguyên nhân gặp vướng, ông Châu cho rằng các dự án không đáp ứng điều kiện làm nhà ở thương mại là do tắc ở nghị định 31 về hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư hoặc dự án không có đất ở, không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở.
Trong đó ông Châu cho rằng vướng mắc chủ yếu là liên quan đến nghị định 31.
Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư phải hợp với quy hoạch theo điều 31 của nghị định, song hiện các bộ đang đổ lỗi cho nhau về điểm vướng này, hậu quả là "doanh nghiệp lãnh đủ", thị trường chịu ảnh hưởng.
"Không phê duyệt được chủ trương đầu tư thì doanh nghiệp làm sao làm được thủ tục phê duyệt 1/500, không thể làm các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, chẳng làm được thủ tục tính nghĩa vụ tài chính của dự án cũng như không triển khai được dự án, tức là bước khởi đầu là tắc rồi", ông Châu nói.
Nhiều dự án không đáp ứng điều kiện làm nhà ở thương mại
Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về thẩm định hồ sơ dự án bất động sản tại TP, sở này đang thụ lý 117 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và 50 hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Riêng với các hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện có 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm dự án nhà ở và 55 dự án đang xem xét giải quyết.
Theo sở này, 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm dự án nhà ở thương mại do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP không chấp thuận chủ trương đầu tư cho 62 dự án này vì không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Đồng thời thông tin cho nhà đầu tư biết về việc không tiếp tục xử lý hồ sơ.
Trong 55 dự án đang được sở này thụ lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư có 3 dự án gặp vướng mắc về quy định pháp luật, 3 dự án đang bị thanh kiểm tra và 49 dự án có các vướng mắc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của TP.HCM.
Đối với 50 hồ sơ dự án đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, có 19 dự án đang gặp vướng mắc về áp dụng quy định pháp luật và 31 dự án đang rà soát pháp lý hoặc vướng mắc do quá trình thanh tra, kiểm tra.
Với các dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành giải quyết vướng mắc cho từng dự án theo thẩm quyền.
Những dự án có nguồn gốc đất từ doanh nghiệp cổ phần hóa, có giao đất công nhưng nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc đã được cấp giấy chứng nhận, sở này kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp pháp lý.
Từ đó có báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng xem xét cho dự án được tiếp tục thực hiện, giao UBND TP tổ chức xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để yêu cầu nhà đầu tư nộp tiền bổ sung, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước.
Các doanh nghiệp trong ngành bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp giải thể tăng, các doanh nghiệp môi giới cũng chung cảnh ngộ khi phải cắt giảm nhân sự, giảm mạnh thu nhập và giảm quy mô.