Giăng bẫy
Ngày 29.6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh cho biết, đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn trên không gian mạng xã hội, với số tiền mà nạn nhân trình báo lên đến hơn 2,8 tỉ đồng.
Theo đơn trình báo với công an, ngày 21.6, anh T.Đ.T.T. (41 tuổi, ngụ TP.Tây Ninh) nhận được cuộc gọi của người lạ, giới thiệu làm ở Công ty G. Việt Nam, cần tuyển người làm việc tại nhà, chủ yếu tham gia bình chọn các resot, điểm du lịch, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... trên Google Map.
Tiếp đó, người này hướng dẫn anh T. tham gia bình chọn 4 điểm du lịch (dành cho nhóm sơ cấp), chụp màn hình gửi lên nhóm chat và được công ty chuyển tiền hoa hồng với số tiền... 40.000 đồng vào tài khoản. "Do thường xuyên đọc báo nên tôi tham gia bình chọn sản phẩm trong tâm trạng hết sức dè chừng, cảnh giác vì đây có thể là trò lừa đảo. Nhưng khi tham gia, tôi dần mất cảnh giác với chiêu trò lừa đảo...", anh T. cho biết.
Rồi anh T. nói tiếp: "Tôi muốn tham gia bình chọn thử với tinh thần hết sức cảnh giác cao độ, xem tụi nó có dẫn mình đến đường link gì độc hại không? Thấy không có, có nghĩa mình sử dụng các ứng dụng trong Google Map (đã đăng ký trước đó trên điện thoại) không sao hết. Cứ Click vào sao (bình chọn) có thể kiếm tiền. Cứ bình chọn để kiếm tiền trong sự kiểm soát trình độ hiểu biết của mình xem sao", anh T. cho biết với sự cảnh giác cao độ.
Nhận tiền hoa hồng 40.000 đồng, bị lừa gần 3 tỉ đồng
Khi bị mất cảnh giác, anh T. được đưa vào nhóm telegam để đến vòng tiếp theo (giai đoạn cao cấp hơn). Ở vòng này, nghi can lừa đảo buộc anh T. phải nộp tiền cho 1 lần bình chọn với giá trị tăng dần (từ vài trăm ngàn cho đến cả trăm triệu đồng). Đồng thời hứa trả lương 300.000 đồng/ngày và sẽ hoàn trả lại tiền khi tham gia xong các chương trình.
Khi anh T. thực hiện xong nhiệm vụ ở cấp độ 4 (cấp độ cuối cùng), số tiền lúc này đã chuyển khoản hơn 500 triệu đồng. Chờ mãi mà không nhận lại được tiền gốc cùng hoa hồng mà "công ty" hứa trả, anh T. tiếp tục bị các nghi can lừa đảo dẫn dụ, nếu muốn nhận lại số tiền trên thì phải nâng cấp lên thẻ VIP, đồng nghĩa với việc phải chuyển khoản thêm hàng trăm triệu đồng.
Muốn lấy lại tiền, anh T. tiếp tục chuyển khoản theo lời đề nghị. Sau đó, các nghi can lừa đảo đưa ra nhiều lý do như phải đóng tiền thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng... Đến khi không còn tiền trong tài khoản, anh T. mới nhận ra mình đã bị lừa mất hơn 2,8 tỉ đồng nên đến công an trình báo.
Trước đó, tại Tây Ninh 1 trường hợp cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Khi một phụ nữ bị dụ dỗ tham gia bình chọn sản phẩm thời trang để nhận tiền lì xì 30.000 đồng, sau đó mất trắng 630 triệu đồng.
"Không nên truy cập vào những đường link lạ trên mạng bởi vì nguy cơ bị rò rỉ thông tin để chiếm đoạt tài sản rất lớn. Tuyệt đối không nghe theo những lời dụ dỗ trên mạng, trên điện thoại di động; không nghe những người tự xưng các cơ quan chức năng mời làm việc, thông báo liên quan đến các vụ án để yêu cầu chuyển tiền. Đó là các dấu hiệu, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, không cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ vì dễ bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ bị lừa đảo thì nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo, để tránh bị thiệt hại", trung tá Huỳnh Văn Sửu, Đội trưởng Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản (thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh) khuyến cáo.