Diễn đàn các ngân hàng trung ương đã diễn ra ngày 28/6 tại thị trấn Sintra, Bồ Đào Nha. Đây là diễn đàn thường niên do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức, nhằm thảo luận các vấn đề quan trọng của ngành ngân hàng thế giới. Năm nay, chủ đề được quan tâm nhất là cuộc chiến chống lạm phát và chính sách tiền tệ của các nền kinh tế hàng đầu.
Phát biểu tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thể hiện sự nhất trí cao độ trong việc cần tiếp tục duy trì lãi suất cao để chống lạm phát.
"Tôi nghĩ chúng ta cần phải kiên trì với chính sách hiện tại vì lạm phát vẫn còn dai dẳng. Chúng ta cần quyết đoán trong việc đạt được mục tiêu đã đề ra và không tranh luận về các mục tiêu ấy", bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhấn mạnh.
Lãnh đạo các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tại diễn đàn hôm 28/6. (Ảnh: Bloomberg)
Mục tiêu bà Christine Lagarde nhắc đến là việc đưa lạm phát về mức 2%. Hiện nay lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn còn đứng ở mức cao là 6,1% trong tháng 5/2023.
Đồng tình với quan điểm của bà Lagarde, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi FED có thể thay đổi chính sách thắt chặt hiện nay.
"Lạm phát kéo dài như hiện nay là một điều bất ngờ. Tôi cho rằng lý do dẫn đến tình trạng này là vì chính sách của chúng ta chưa đủ thắt chặt trong khoảng thời gian đủ dài", ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhận định.
Các nhà lãnh đạo các ngân hàng trung ương đánh giá lực đẩy chính lên lạm phát hiện nay không phải là giá năng lượng, mà sự mở rộng của thị trường lao động và các ngành dịch vụ. Lạm phát ở cả Eurozone lẫn Mỹ đều được dự báo sẽ giảm trong năm tới và trở về mức mục tiêu vào năm 2025, cho thấy chính sách tiền tệ có thể sẽ được thắt chặt lâu hơn kỳ vọng của thị trường.
"Chúng ta đang đạt được các tiến bộ vững chắc, nhưng tôi không cho rằng chúng ta sẽ hạ được lạm phát lõi về mức 2% trong năm tới. Tôi nghĩ sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2025", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định.
Các nhà phân tích lo ngại việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Hiện tại, Eurozone được xem đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi GDP suy giảm 2 quý liên tiếp.
VTV.vn - Dù CPI của Mỹ trong tháng 5 đã hạ nhiệt, nhưng giá cả hàng hóa vẫn đang đứng ở mức cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12690535192603202-tahp-mal-gnohc-mat-teyuq-hnid-gnahk-gnou-gnurt-gnah-nagn-cac/et-hnik/nv.vtv