Thế giới đang diễn ra “cuộc chạy đua” xây dựng những toà nhà chọc trời bằng gỗ cao nhất. Kỷ lục từng được nắm giữ bởi Mjostarnet, toà tháp cao 85 m bên Hồ Mjosa ở Na Uy, nơi có những căn hộ, khách sạn và bể bơi cao cấp. Sau đó, Ascent, một công trình cao 87 m, được hoàn thiện ở Wisconsin vào tháng 7/2022 đã phá kỷ lục.
Dần dần, vị trí đứng đầu sẽ thuộc về một toà tháp khác, đó là công trình cao 90 m được lên kế hoạch xây dựng ở Ontario và một toà nhà 100 m ở Thuỵ Sĩ.
Tuy nhiên, gần đây, Atrium Ljungberg - một công ty phát triển đô thị của Thuỵ Điển thông báo rằng họ sẽ phá vỡ kỷ lục. Công ty này tiết lộ kế hoạch xây dựng một thành phố chỉ có nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới. Theo đó, Stockholm Wood City sẽ được xây dựng tại Sickla, một khu vực phía nam thủ đô Thuỵ Điển.
Dự án này sẽ được khởi công trên một khu đất rộng 250.000 m2 và bắt đầu vào năm 2025. Khi hoàn thiện, 10 năm sau, thành phố sẽ có 2.000 ngôi nhà và 7.000 văn phòng, cùng nhiều nhà hàng và cửa hàng mua sắm. Theo Atrium Ljungberg, đây là dự án trị giá 12 tỷ krona (1,4 tỷ USD).
Annica Anäs, giám đốc của công ty, cho biết với gỗ, Atrium Ljungberg kỳ vọng sẽ giảm tới 40% lượng khí thải carbon của dự án so với việc xây dựng bằng bê tông và thép thông thường. Gỗ là loại vật liệu bền vững có thể được sản xuất từ các khu rừng tái tạo mà Thuỵ Điển có rất nhiều.
Cũng như các dự án xay dựng hiện đại khác, Wood City vẫn sẽ sử dụng một số lượng bê tông và thép ở những phần cụ thể như nền móng. Tuy nhiên, tổng khối lượng của loại vật liệu này sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Ngoài ra, vì các toà nhà bằng gỗ có trọng lượng nhẹ hơn, nên móng có thể cũng nhỏ hơn bình thường.
Dự án này của Thuỵ Điển sử dụng các phần gỗ được đúc sẵn, được làm từ “gỗ kỹ thuật”. Thay vì gỗ xẻ thông thường, ván dăm hay ván ép, gỗ kỹ thuật là vật liệu tổng hợp, chứa các lớp gỗ được ghép lại với nhau theo những cách cụ thể. Các thớ gỗ trong mỗi lớp được xếp thẳng hàng để xây các phần riêng lẻ của toà nhà, ví dụ như sàn, tường, thanh chống xiên và dầm với độ bền cực kỳ cao.
Vì các bộ phận này có thể được sản xuất trong nhà máy, nơi sản phẩm dễ được bảo trì hơn so với tại công trình, nên việc sử dụng các bộ phận có sẵn sẽ cắt giảm lượng nguyên liệu thô ban đầu và cho phép quá trình xây dựng diễn ra nhanh hơn.
Bà Anäs cho biết thêm, ưu điểm của loại nguyên liệu này là quá trình xây dựng sẽ không ồn ào như những khu được xây dựng bằng bê tông và gạch. Điều này giúp các toà nhà bằng gỗ đặc biệt thích hợp cho việc tái phát triển đô thị vì ít làm phiền đến người dân xung quanh.
Ngoài ra, theo Anäs, những dự án như thế này cũng tạo ra lợi nhuận. Bà cho rằng lợi nhuận của dự án Wood City có thể đạt 20%. Bà cho hay: “Thuỵ Điển là nơi hiện đại khi nói đến việc xây dựng các công trình bằng gỗ. Tuy nhiên, quốc gia khác cũng có thể áp dụng.”
Mối lo ngại lớn nhất đối với các toà nhà bằng gỗ là nguy cơ hoả hoạn. Do đó, các toà nhà ở Wood City sẽ được trang bị hệ thống chống cháy như vòi phun nước, các lớp nguyên liệu chống cháy như những dự án xây bằng bê tông hay gạch.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu đang ngày càng tin rằng gỗ kỹ thuật có khả năng chống cháy cực cao. Để nhận được cấp phép cho dự án toà nhà Ascent, Sở Lâm nghiệp Mỹ đã tiến hành thử nghiệm trên các cột gỗ nhiều lớp mà họ sẽ dùng để xây dựng.
Sau khi nhận thấy chúng rất khó cháy, các cột này đã nhận được chứng chỉ chống cháy trong 3 giờ vì vẫn giữ nguyên cấu trúc. Nếu không có nguồn nhiệt ổn định, lớp ngoài của một tấm gỗ sẽ bị cháy thành than để bảo vệ cấu trúc bên trong.
Tham khảo Economist