Phiên này, chỉ số phụ ngành ngân hàng S&P 500 tăng 2,6%, với các cổ phiếu ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Goldman Sachs đều tăng hơn 3%, Wells Fargo tăng 4,5%, sau khi Fed cho biết tất cả 23 tổ chức tín dụng lớn đều đã vượt qua bài kiểm tra sức chịu đựng thường niên, có khả năng huy động vốn tốt để vượt qua được kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Dữ liệu khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm 26.000 xuống mức 239.000 sau khi được điều chỉnh theo mùa trong tuần kết thúc vào ngày 24/6. Điều này ngược với dự đoán của các nhà kinh tế khi cho rằng con số nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ lên mức 265.000 trong tuần trước.
Thêm vào đó, GDP quý I được điều chỉnh đã tăng lên 2% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa mức ước tính là 1,3%. Số liệu GDP này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt hơn nhiều tưởng tượng và mở rộng con đường để Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, cho tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Sáu. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán chỉ số này sẽ duy trì ổn định ở mức 4,7%.
Các nhà giao dịch đã ước tính xác suất khoảng 86,8% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên 5,25%-5,5% tại cuộc họp tháng 8, theo công cụ Fedwatch của CME Group, tăng từ dự báo 81,8% một ngày trước đó.
Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones tăng 269,76 điểm (+0,80%), lên 34.122,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,58 điểm (+0,45%), lên 4.396,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,42 điểm (-0,00%), xuống 13.591,33 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng với nhà bán lẻ Thụy Điển H&M nhảy vọt, nhưng dữ liệu kinh tế từ cả hai bờ Đại Tây Dương và tín hiệu diều hâu từ các ngân hàng trung ương lớn đã đè nặng lên thị trường.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,11% lên 456,55 điểm.
Cổ phiếu của H&M tăng 18,2% lên mức cao nhất trong hơn một năm và đứng đầu chỉ số chứng khoán của Stockholm, sau khi nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới đánh bại dự báo về lợi nhuận quý II của giới phân tích, qua đó, thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ của châu Âu cao hơn 1,8%.
Trong khi đó, sự sụt giảm bất ngờ trong số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và sự điều chỉnh tăng mạnh trong GDP quý đầu tiên đã nhấn mạnh khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ và củng cố khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay.
Điều này theo sau những bình luận diều hâu từ các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu tại một cuộc họp ở Sintra vào thứ Tư, nơi chủ đề cơ bản là lãi suất có thể sẽ được giữ ở mức cao hơn và trong thời gian dài hơn.
"Thị trường đã đưa ra quan điểm rằng các ngân hàng trung ương tiếp tục diều hâu và tin rằng họ có thể tăng lãi suất khi nền kinh tế có thể chịu đựng được", Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com cho biết.
Thêm vào những thông điệp diều hâu gần đây từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất chính sách thêm 0,25% như dự kiến và dự báo sẽ có thêm ít nhất một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Kết thúc phiên 29/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 28,80 điểm (-0,38%), xuống 7.471,69 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 2,28 điểm (-0,01%), xuống 15.946,72 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 26,41 điểm (+0,36%), lên 7.312,73 điểm.
Giá dầu thô được hỗ trợ bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, nhưng chịu áp lực do lo ngại rằng lãi suất tăng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 29/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,30 USD/thùng (+0,4%), lên 69,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,31 USD/thùng (+0,4%), lên 74,34 USD/thùng.