Người viết khi ấy bị thôi thúc bởi một ước muốn không thể dừng được là phải nói ra, như một món nợ tinh thần với chính mình, với gia đình mình, với cộng đồng mình, ước muốn ấy bùng lên, không tùy thuộc vào tuổi tác, không mưu cầu thành danh, đôi khi chỉ mong như một kỷ niệm chữ nghĩa mà thôi.
Nhìn chung, đó là một hiện tượng đáng mừng, nó nói rằng cảm hứng với văn chương vẫn còn, tình hình in ấn xuất bản là thông thoáng trên đất Việt, khả năng biểu đạt của người Việt là phong phú.
Thỉnh thoảng lang thang trên Facebook, tôi luôn được cười khi vào trang của Đào Tuấn Ảnh. Là một người học qua bao trường lớp, làm nghiên cứu và dịch thuật văn chương nhưng bà hầu như không bị khuôn định trong không gian học thuật.
Từ một cách kể nghịch ngợm của một tâm hồn trẻ trung và ánh nhìn tinh quái, câu chữ của bà luôn cựa quậy.
Đọc từng đoạn ngắn của tác phẩm trên mạng, rồi đọc toàn văn bà gửi, nay cầm cuốn sách Bà Đỡ (NXB Trẻ), đọc một hồi không nghỉ, tôi biết thế nào là ma lực của chất văn, giọng kể.
Tác giả thuộc người ăn nói có duyên và là người tạo nên những hình khối, sắc màu khác nhau trong chữ nghĩa.
Quá khứ cuộn trào trong ký ức nhà văn như một thứ dung nham nóng bỏng - như lời đề từ sáng giá mà tác giả dẫn từ nhà văn tài danh Nga IU. Lermontov: "Ký ức, chúa quỷ toàn năng. Đánh thức mọi chuyện ngày xưa ấy" - nay đã chảy thành những trang viết đầy hạt đẹp, chúng có thể làm nảy bao mầm xanh nơi nhiều vườn hồn mà nó đi qua.
Rất dung dị và tự nhiên, các câu chuyện trôi theo lời kể của hai cái tôi lồng ghép: một cái Tí bé bỏng và một bà Tí lão thực. Bà Tí tuổi 70 có mặt ngay trang đầu, ngoái nhìn: "Thuở nhỏ…" thú nhận "ước mơ trở thành nhà văn cứ theo tôi suốt".
Và không chỉ thế, trong toàn thiên truyện Tí nhỏ, Tí lớn cùng nhau tung hứng kỷ niệm, một tung hứng kỳ tài, như hai bàn tay chơi đánh chắt, đánh chuyền uyển chuyển, quả banh và chiếc đũa không rơi xuống đất lần nào.
Tập truyện gồm ba truyện: Bà Đỡ, Chuyến du lịch đầu tiên, Cô Tí Hon, trong đó truyện đầu Bà Đỡ độ nén rất cao, tất cả tạo thành thân nhánh một cái cây gia phả sum suê, sống động, hài hòa giữa ý và lời, tỏa bóng.
Kỷ niệm lớn nhất, như vầng sáng dẫn dắt, như nguồn ấm chở che, ấy là bà ngoại. Một người bà có quyền uy đặc biệt với xóm làng, nhờ làm nghề đỡ đẻ.
Một người bà có một sinh lực phi thường, nhờ lòng yêu thương và khả năng thấu hiểu, không chỉ thấu hiểu lẽ đời mà còn nối được với lẽ trời. Xoay quanh bà, hiện lên nhân dáng, số phận những con người trong một gia đình lớn; những sinh hoạt phong tục; và một thời đoạn lịch sử đầy dông bão.
Bé Tí được thỏ thẻ nhiều nhất ở hai truyện đầu: "đôi mắt trố" nhìn chăm chú mọi cái quanh mình; cái miệng hay hỏi làm nảy sinh bao câu chuyện; cái đầu hay nghĩ in vào bao tâm tình; và bé Tí nghịch ngợm xưa hòa cùng bà Tí cứng cỏi nay nói về bao biến cố của xã hội, bao nghịch cảnh của gia đình mình với nụ cười trào lộng.
Nụ cười ấy làm Bà Đỡ của Đào Tuấn Ảnh khác với Những ngày thơ ấu (1938) của Nguyên Hồng, Quê nội (1974) của Võ Quảng, Tuổi thơ dữ dội (1988) của Phùng Quán.
Nó làm ta nhớ đến nụ cười trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương: gắn bó hết sức với những vẻ đẹp của tự nhiên, của con người, nhận ra những bất cập của xã hội và cười nhạo nó. Trong nụ cười ấy ẩn chứa bao sắc thái.
Ba câu chuyện trong tập truyện trải dài những 70 năm, hiện lên những giao cắt về văn hóa và lịch sử, những gặp gỡ hẹp và rộng, những tính cách và số phận mang màu sắc tiểu thuyết. Với Bà Đỡ, Đào Tuấn Ảnh hình như nói với chúng ta rằng: "Tuổi thơ sẽ đi mãi cùng ta. Gia đình luôn là cội rễ để quay về. Đừng ngại ngần, hãy viết khi trái tim bạn đang ngân lên thành chữ" .
Ra mắt sáng tác đầu tay nhưng đã là khuôn mặt quen thuộc trong làng văn và vốn quảng giao, Đào Tuấn Ảnh gặp ngay những đôi mắt xanh.
Nguyễn Duy, trong Lời giới thiệu, gọi Bà Đỡ là "Một ám ảnh cổ tích", "ẩn hiện cả tâm tình thời đại". Lê Minh Hà, trong Lời bạt gọi Bà Đỡ "là sáng tạo văn chương thực sự"…
Không chỉ hoạt động nghệ thuật với vai trò người dẫn chương trình, diễn viên, MC Hải Triều còn được khán giả biết đến với một vai trò mới: viết sách.