Sáng 30/6, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (HNX: PTI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Phát biểu tại Đại hội, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT PTI cho biết, trong năm 2022 tổng chi bồi thường bảo hiểm tăng 35% so với năm ngoái lên 747 tỷ đồng do phát sinh chi phí liên quan quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” số tiền hơn 353 tỷ đồng.
Mặt khác, cả nước đã duy trì tình trạng bình thường mới với dịch bệnh Covid-19, không còn áp dụng chính sách giãn cách xã hội nên người dân sẽ đi khám, chữa bệnh nhiều hơn khiến chi phí bồi thường bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng lên.
Điều này dẫn đến tình hình kinh doanh sa sút và năm 2022 PTI lỗ sau thuế đến 352 tỷ đồng, đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ kể từ khi niêm yết.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư trong năm 2022 của ngành bảo hiểm đã gặp nhiều khó khăn khi lãi suất huy động tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp trong 9 - 10 tháng đầu năm và chỉ tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành.
Việc này đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả đầu tư do tiền gửi ngân hàng thường chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của các doanh nghiệp bảo hiểm. Thị trường chứng khoán lao dốc và thị trường trái phiếu đóng băng cũng đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư của ngành.
Căn cứ dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh năm 2022 và điều kiện thị trường năm 2023, ông Nguyễn Kim Lân – Tổng Giám đốc PTI trình cổ đông kế hoạch đem về 5.730 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và 112 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Để đạt được kết quả trên, PTI sẽ kiện toàn mô hình kinh doanh, xây dựng năng lực quản trị kênh phân phối theo mô hình khoán kinh doanh như hiện nay, và đầu tư mô hình phát triển kênh phân phối trực tiếp qua kênh hợp tác chiến lược với VNPOST và mô hình phát tiển kênh bán qua đội ngũ tư vấn bán hàng (B2A và B2CA).
Đồng thời, kiện toàn danh mục sản phẩm theo các phân khúc khách hàng mục tiêu để thúc đẩy năng lực phát triển kênh bán trực tiếp, bổ sung thêm năng lực kênh bán theo mô hình khoán doanh số.
Năm 2023, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nền tảng công nghệ và số hóa để kiện toàn hạ tầng dữ liệu, ứng dụng khai thác và bán hàng, hệ thống công nghệ thông tin cho phép cung cấp dữ liệu kinh doanh và dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển, quản trị rủi ro và quản lý hiệu suất lao động.
Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc khách hàng theo các phân khúc khách hàng mục tiêu bao gồm khách hàng định chế tài chính, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng chiến lược, các đối tác đại lý môi giới và bảo hiểm trong và ngoài nước.
Xây dựng và phát triển năng lực quan hệ với các nhà tái, năng lực thẩm định khách hàng và bản chào nghiệp vụ cho bảo hiểm tài sản, bảo hiểm khác.
Về kế hoạch, định hướng liên quan đến đầu tư tài chính, công ty kỳ vọng hoạt động đầu tư đảm bảo an toàn và hiệu quả, tăng cường kiểm soát rủi ro. Tỉ suất sinh lời/vốn đầu tư dự kiến sẽ duy trì ở mức tối thiểu 6%/năm.
Triệt để xử lý các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả còn tồn đọng. Chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua việc thành lập Công ty quản lý hoặc Công ty đầu tư.
Đáng chú ý, do tình hình kinh doanh năm 2022 thua lỗ, nên công ty sẽ không thực hiện trả cổ tức năm 2022 và 2023 cho các cổ đông. Trước đó, năm 2021 công ty cũng không trả cổ tức.
Nguyên nhân không trả cổ tức được bà Phạm Minh Hương đưa ra là để kiện toàn điều kiện kinh doanh trong tương lai.
Đồng thời, công ty cũng không trích quỹ khen thưởng phúc lợi do kết quả kinh doanh kém sáng, lợi nhuận còn lại năm 2022 để phân phối cho cổ đông là 0 đồng, lợi nhuận còn lại của các năm trước luỹ kế đến 31/12/2022 là gần 77,6 tỷ đồng.