Mục Điểm tin kinh tế ngày 18/6 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin: Việt Nam cấm dịch vụ đòi nợ thuê; Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam…
Việt Nam cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Chiều ngày 17/6 dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị cấm khi gần 95% đại biểu thông qua Luật đầu tư sửa đổi
Theo Vnexpress, trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi, cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê là chủ đề gây tranh cãi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Ông Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến đề nghị cấm, phần còn lại thì không cấm và đề nghị đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Theo báo Người lao động trích dẫn lời của Đại biểu Nguyễn Bá Sơn “người dân phải tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê do họ đòi nợ theo con đường hợp pháp thì không đòi được nợ”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua, đa số các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm xã hội đen, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ quan ngại.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, ngành đòi nợ thuê đóng góp vào ngân sách và sự phát triển kinh tế – xã hội rất thấp, không đáng kể.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng không thể không cấm đòi nợ thuê bời vì nhân viên đòi nợ thuê thường xăm trổ, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lự và công cụ sử dụng là dao kiếm. Nếu Việt Nam tiếp tục cho dịch vụ này hoạt động thì gây hoang mang xã hội.
Một số đại biểu cho rằng, Việt Nam nên tham khảo một số quốc gia như Thái Lan, Mỹ về quy định các điều kiện thành lập doanh nghiệp thu hồi nợ cũng như quy trình thu hồi nợ rất chuẩn mực trong đó quy định thời gian doanh nghiệp được phép gọi điện thoại cho khách hàng.
Tuy nhiên, khi tổng hợp kết quả ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, 77,5% ý kiến đồng ý cấm dịch vụ này (tương đương 371 ý kiến). Như vậy, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị cấm và được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Từ ngày 1/1/2021 Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam
Dòng vốn ngoại cùng với các nhà đầu tư trong nước đã giúp chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh thứ hai trên thế giới với chỉ số VnIndex tăng 28% trong quý này.
Theo Bloomberg đưa tin các quỹ đầu tư toàn cầu đang bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi Việt Nam nổi lên là một quốc gia ít ỏi gần như không bị ảnh hưởng trước đại dịch Covid-19. Các quỹ như Ashmore Group Plc và Coeli Asset Management đã tăng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam từ tháng 3. Từ đầu tháng 6 đến nay các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng trở lại và là đợt mua ròng đầu tiên từ tháng 1/2020.
Theo Andrew Brudenell, nhà quản lý quỹ Ashmore: “Những hành động mãnh mẽ và quyết đoán trong cuộc chiến với Covid-19 và giờ là đẩy mạnh đầu tư đều là những chính sách có lợi cho nền kinh tế Việt Nam”. Từ cuối năm 2019, Ashmore đã tăng 50% tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, tăng đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản, nguyên vật liệu và Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên trị giá 77 tỷ USD.
Đồng Việt Nam khá ổn định và được hỗ trợ bởi thặng dư cán cân vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối ổn định, chỉ giảm 0,2% so với USD và VND đang nằm trong nhóm đồng tiền diễn biến tốt nhất Châu Á.
Quỹ đầu tư của Thụy Điển Coeli Asset cũng nâng tỷ trọng vốn phân bổ vào Việt Nam với trị giá 350 triệu USD, từ mức 18,6% thời điểm đầu năm lên 25%.
Công ty vận tải Đường sắt Hà Nội dự kiến lỗ hơn 330 tỷ đồng trong 2020
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động đường sắt bị đình trệ, hành khách sụt giảm nên công ty dự kiến lỗ hơn 330 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo báo Tiền Phong đưa tin, do ảnh hưởng sau dịch bệnh, Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) đã phải dừng gần như toàn bộ chạy tàu, các mác tàu truyền thống đều phải dừng. Khi hết cách ly xã hội, thời điểm cao nhất doanh thu chỉ đạt khoảng 52% so với cùng quý năm trước, còn bình quân chỉ hơn 30%.
Một số tuyến tàu chủ yếu vận chuyển khách nước ngoài đến nay vẫn dừng hoạt động như Hà Nội – Lào Cai/Đà Nẵng/Nha Trang… Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến hơn 1.200 người lao động của Haraco không có việc làm, số lao động bị hoãn hợp đồng hơn 1.100 người. Dự kiến năm 2020 doanh nghiệp lỗ 330 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn dịch lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Tín hiệu tích cực của đường sắt là vận tải hàng hóa tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ, bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ chở container lạnh nông sản vào Trung Quốc và các nước thứ ba, dự kiến tăng tần suất tầu hàng Việt – Trung lên 1 đôi tàu/ngày.
Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Haraco, để vượt qua khủng hoảng Haraco đã phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn để ký hợp đồng thực hiện các tour trọn gói đi tàu, cùng với đó giảm vé tàu từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước.
Cảnh báo người dân trước các hoạt động đa cấp trái phép
Theo cảnh báo của Bộ Công Thương, ngày càng xuất hiện nhiều các hình thức “kinh doanh mạng”, “kinh doanh hệ thống”,… trên các trang thông tin điện tử dưới hình thức những “doanh nhân” muốn kết nối và chia sẻ cơ hội đầu tư, thực chất đó là huy động vốn đa cấp trái phép.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn Online, ngày 17/6, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã phát đi văn bản cảnh báo về một số dự án, mô hình hoạt động có dấu hiệu huy động vốn theo mô hình đa cấp trên nền tảng thương mại điện tử. Những mô hình này được lan truyền rất nhanh qua các kênh như Youtube, Facebook, Zalo, Viber,… thường hướng tới các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp hoặc làm thêm, làm trên quy mô quốc tế trên nền thương mại điện tử.
Với các hình thức giới thiệu chủ yếu là những doanh nhân muốn kết nối, giao dịch, chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số hay qua mô hình tiếp thị liên kết, khi tham gia sẽ nhận được hoa hồng, lợi nhuận cao. Một số địa chỉ website như: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Winvest.io.
Khoản tiền của những người đầu tư không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, chủ đầu tư không hiện diện ở Việt Nam hoặc không có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật. Các doanh nghiệp này tuyển dụng ồ ạt, dụ dỗ để ép buộc người tham gia hệ thống nộp các khoản tiền dưới hình đào tạo, mua sản phẩm,… rồi người trước lừa người sau.
Bộ Công Thương đánh giá các mô hình trên là hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm, yêu cầu người dân cảnh giác với các hoạt động lôi kéo bán hàng trái phép, mất tiền và gây mất trật tự xã hội với hình thức như trên.
The post Việt Nam cấm dịch vụ đòi nợ thuê; Cảnh báo người dân trước các hoạt động đa cấp trái phép appeared first on Đại Kỷ Nguyên.