Mặc dù phương án này được Tổng thống Mỹ Joe Biden "chống lưng", song vẫn vấp phải không ít sự phản đối từ phía đảng Cộng hòa do lo ngại về vấn nạn lạm phát. Vậy thông điệp đằng sau đề xuất nghìn tỷ USD này là gì?
"Tiền rẻ, hãy cứ tiêu đi" - Đó là thông điệp mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi gắm qua gói ngân sách khiến chi tiêu chính phủ được nâng lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới II. Kế hoạch chi tiêu cho năm tài khóa 2022 này bao gồm: chi 6.010 tỷ USD và thu về 4.170 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 khiến chính phủ Mỹ buộc phải tăng chi tiêu. Mức thâm hụt dự kiến là hơn 1.800 tỷ USD, giảm sâu so với năm 2020.
Kế hoạch này được đảng Dân chủ hoan nghênh, trong đó có Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi. Bà cho rằng 6.000 tỷ USD ngân sách lần này chính là tuyên bố rõ ràng nhất về giá trị mà đảng Dân chủ đặt lên công nhân và tầng lớp trung lưu - những người có công giúp nước Mỹ lớn mạnh trở lại.
Tuy nhiên, kế hoạch này lại không nhận được sự đồng tình từ đa số nghị sĩ đảng Cộng hoà - những người muốn kìm hãm đà chi tiêu của chính phủ và bác bỏ đề xuất tăng thuế với giới nhà giàu và doanh nghiệp lớn. Theo Thượng nghị sĩ John Barrasso: "Đề xuất của ông Biden sẽ nhấn chìm các gia đình Mỹ trong nợ nần, thâm hụt và lạm phát kinh tế".
Đáp lại sự bất đồng của đảng Cộng hoà, Tổng thống Joe Biden khẳng định nước Mỹ cần chấp nhận rủi ro thâm hụt ngân sách trong điều kiện lãi suất thấp để kinh tế quốc gia có thể được đầu tư.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Không một ai trong số những nghị sĩ đảng Cộng hoà ủng hộ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ. Tôi không muốn làm ai phải xấu hổ cả, nhưng tôi có bằng chứng rằng họ tuyên truyền về kế hoạch này tại các quận liên bang. Nếu đã nhận ra lợi ích của gói đầu tư, đừng cản trở những gì chúng ta cần phải làm".
Theo các quan chức Nhà Trắng, những thâm hụt từ ngân sách hàng nghìn tỷ này sẽ được bù đắp hoàn toàn trong vòng 15 năm nhờ chính sách tăng thuế. Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Biden cũng dự báo thâm hụt liên bang có thể giảm hơn 2.000 tỷ USD trong những năm kế tiếp. Vậy nên, nếu nhìn nhận trên phương diện tích cực, đề xuất 6.000 tỷ USD này của Tổng thống Joe Biden, dù khiến tổng nợ vượt quy mô nền kinh tế, song không ảnh hưởng quá nhiều đến áp lực lạm phát của nước Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24735953213501202-gnart-ahn-auc-dsu-yt-0006-taux-ed-uas-gnad-peid-gnoht/et-hnik/nv.vtv