Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định cần phải siết chặt việc chống buôn lậu để có sự cạnh tranh công bằng vì nếu không đường lậu sẽ bóp nghẹt lợi ích của các chủ thể trong ngành mía đường Việt Nam (VN). Lúc đó sẽ khiến nông dân mất kế sinh nhai, các nhà máy đường rơi vào tình trạng phá sản và người tiêu dùng không được bảo vệ tối đa về mặt sức khỏe.
Nhà máy tiêu chuẩn cao nhất thế giới vẫn thua… đường lậu
. Phóng viên: Thưa ông, buôn lậu đường có thể tàn phá ngành đường quốc gia ra sao?
+ GS Võ Tòng Xuân: Đường lậu tràn vào VN dẫn đến phá giá. Khi giá đường quá thấp trên thị trường, để cạnh tranh, các công ty đường VN không còn cách nào khác cũng phải hạ giá bán. Điều này tạo ra tác động tiêu cực mang tính dây chuyền.
Giá thành phẩm thấp thì các nhà máy đường phải mua mía từ nông dân với giá thấp để sống sót. Nếu trước đây, giá thu mua mía đạt mức 900.000-1 triệu đồng/tấn thì khi đường buôn lậu tràn vào, giá mua chỉ còn 700.000-800.000 đồng/tấn. Với giá này, nông dân không thể lấy lại vốn đầu tư chứ chưa nói là có lời.
Khi không đủ sống, giá mía thấp, nông dân sẽ bỏ mía. Hệ quả tất yếu là diện tích vùng nguyên liệu sụt giảm nghiêm trọng.
Nhưng thiệt hại kinh tế còn lớn hơn vì khi nông dân bỏ mía sẽ không biết trồng cây gì khác. Vì vùng trồng mía thường ở những vùng đất nhiều cát, bạc màu, khó có cây khác thích ứng được.
. Nhưng không chỉ nông dân mà nhiều nhà máy cũng đóng cửa vì đường lậu, đường bán phá giá?
+ Nông dân bỏ nghề nhưng nhà máy đường cũng không khá hơn vì bán dưới giá thành, theo thời gian cũng dẫn đến lỗ phá sản. Hệ lụy là đẩy nhiều công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp. Chưa hết, nhiều nhà máy đóng cửa, bị thiệt hại vì đường lậu, Nhà nước sẽ mất tiền thuế từ đây, nhiều ngành hàng khác không có phụ phẩm đường để làm nguyên liệu đầu vào.
Nếu đường lậu tung hoành làm cho ngành đường bị phá sản luôn. Do đó, dứt khoát mình phải kiểm soát cửa khẩu, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là mặt hàng đường từ nước ngoài tuồn vào VN.
. Ông đánh giá thế nào về quyết định của Nhà nước khi đánh thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan?
+ Quyết định chống bán phá giá là điểm sáng cho ngành mía đường VN tại thời điểm này. Nếu không làm điều này thì ngành đường VN vừa chịu “cú đấm” từ đường buôn lậu, vừa lãnh trọn “cú đá” từ đường Thái với giá rất rẻ.
Bởi vì ngành đường Thái được nhà nước Thái Lan bảo hộ nên bán giá rất thấp. Đến VN, giá đường Thái chỉ có 9.000 đồng/kg, trong khi tại nhà máy đường Việt, giá thành sản xuất đã là 12.800 đồng/kg. Sau khi qua các khâu trung gian như vận chuyển, đóng gói bao bì… được đẩy lên gần 20.000 đồng/kg.
Chỉ cần so sánh giá giữa đường Thái và VN đã thấy sự chênh lệch và gây khó khăn cho ngành đường VN một cách khủng khiếp ra sao.
Nhiều nhà máy đường VN đạt tiêu chuẩn EU1 (tiêu chuẩn cao nhất thế giới), có thể cung cấp đường cho cả ngành dược phẩm nên có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hầu hết ngành khác. Tuy nhiên, thiết bị công nghệ chỉ tác động khoảng 25% đến giá thành sản phẩm, phần còn lại phụ thuộc đầu vào là mía nguyên liệu. Đây chính là điểm yếu cốt tử của ngành mía đường VN.
Hiện Brazil là nước canh tác mía hiệu quả nhất, chỉ mất 16 USD chi phí cho việc sản xuất 1 tấn mía. Úc có chi phí 18-20 USD/tấn, Thái Lan khoảng 32 USD/tấn nhưng VN mất đến 50 USD/tấn.
Những con số này cho thấy ngành chế biến đường của VN đã thua ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Giải quyết bài toán giá thành của cây mía là mục tiêu hàng đầu quyết định sự sống còn trong cạnh tranh và hội nhập.
Cơ giới hóa sẽ giúp ngành đường nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: QH
Học người Nhật làm hợp tác xã
. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước để bảo vệ ngành đường Việt cũng cần sự nỗ lực cao của các doanh nghiệp ngành này. Nhưng nhìn về con số sản xuất mía đường của các nước rất hiệu quả, theo ông thì chúng ta cần làm gì để hạ giá thành nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh?
+ Các nước trên có chi phí sản xuất mía thấp vì họ sản xuất cơ giới hóa trên diện tích vài ngàn hecta. Trong khi đó ở VN, nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Kỹ thuật canh tác của nông dân chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống mà không cần biết đến các căn nguyên khoa học.
Chẳng hạn, nông dân có thói quen bón nhiều phân mà không biết rằng cách đó làm giảm năng suất đường của cây mía. Đáng lẽ phải cày sâu nửa mét thì chỉ cày nông khoảng 20 cm. Cày sâu, làm đất kỹ thì cây mía bám sâu, phát triển tối ưu bộ rễ, phân bón được giữ lâu trong bộ rễ. Không chú trọng cung cấp nước đều đặn cho cây mía ngay từ khi mới đặt hom để giúp cây mía phát triển tốt.
Nông dân tùy ý sử dụng các bộ giống chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, không dựa trên một dữ liệu khoa học nào, do đó năng suất mía rất thất thường.
Chưa kể, do không được xử lý bệnh đã đưa vào trồng và chuyển từ vùng này sang vùng khác nên dịch không được kiểm soát. Điều này làm bệnh trên cây mía nhanh chóng lây lan sang nhiều vùng trồng mía trọng điểm cả nước.
. Theo ông, nông dân nếu tự làm thì quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, vậy bài toán hợp tác cần làm sao?
+ Nếu làm tốt, làm đúng, nông dân sẽ có hiệu quả lợi ích cao trên diện tích trồng trọt, đảm bảo có được lợi nhuận. Và từ đó các chủ thể khác trong ngành mía đường cũng được hưởng lợi.
Chúng ta cũng có thể học hỏi cách người Nhật thiết kế hợp tác xã cho phát triển ngành mía đường. Nông dân vào hợp tác xã đều được hỗ trợ tối đa từ trang thiết bị đến chính sách, áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát huy sức mạnh.
Nông dân khi gom diện tích đất lớn để trồng trọt, hay nói cách khác là dồn điền thì mới đủ điều kiện canh tác theo cơ giới hóa để giá thành sản xuất cây mía giảm xuống. Từ đó có thể bón phân đồng loạt để cây mía chuyển từ thời gian tăng trưởng sang sinh trưởng và có tích lũy đường. Lúc đó mới tối ưu hóa lợi nhuận.
Để phát triển bền vững, cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nhà nước phải có chính sách khuyến khích cơ giới, tự động hóa hay cơ chế hỗ trợ vốn cho ngành mía đường.
. Xin cám ơn ông.
Người tiêu dùng dễ dãi, coi chừng ăn đường loại thải . Theo ông, nếu người tiêu dùng trong nước sử dụng đường lậu đóng bịch, không nhãn mác, thời hạn sử dụng sẽ bị ảnh hưởng tác hại sức khỏe ra sao? + GS Võ Tòng Xuân: Những thương hiệu nước uống nổi tiếng trên thế giới như Coca Cola hay Pepsi, các loại nước đóng chai có đường từ Nhật, Mỹ, châu Âu đều mua đường từ các nhà máy đường lớn của VN. Tất nhiên loại đường này có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các điều kiện khắt khe của các nước, cũng như có thể truy xuất nguồn gốc. Bởi vì các thương hiệu lớn có ý thức bảo vệ sức khỏe khách hàng. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng VN dễ dãi mua đường lậu được chiết xuất ra các bao không nhãn mác, thương hiệu, không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm vì giá rẻ. Nhiều người không biết rằng những bao đường lậu giá rẻ này đã bị chính các nước đó loại bỏ vì phẩm cấp kém, chứa nhiều mầm bệnh có hại. Và tất nhiên ăn vào sẽ có tác động khôn lường đến sức khỏe. Do đó, mọi người nên ăn đường một cách thông minh, khoa học. Cụ thể là chỉ mua đường có thương hiệu Việt, nguồn gốc rõ ràng, qua đó ủng hộ ngành đường VN phát triển và lớn mạnh. |