Mấy ngày qua, những hình ảnh của y bác sĩ kiệt sức trong bộ phòng hộ làm nhiều người quặn lòng. Người buồn nhất chắc chắn là gia đình, người thân của các chiến sĩ áo trắng vào tâm dịch, thứ đến là chúng tôi những đồng nghiệp của các bạn - những người đã từng mặc và hiểu sự khó chịu khi mặc bộ quần áo ấy. Rất nhiều bạn bè tôi đang tập trung thiết kế những phòng lấy mẫu di động chỉ để nhân viên y tế không phải mặc bộ quần áo này trong tiết trời đổ lửa.
Những hình ảnh các vị lãnh đạo bắt tay các bác sĩ mặc bộ phòng hộ đang ngồi trong phòng máy lạnh chuẩn bị lên đường, hay ngồi trong xe trước giờ xuất phát, được đăng tải khắp mọi nơi. Nó làm ta liên tưởng đến hình ảnh các chiến sĩ trang phục chỉnh tề sắp ra chiến tuyến. Về ý nghĩa, có thể có sự tương đương khi cả nước đã coi chống dịch như chống giặc. Nhưng trong thực tế, bộ quân phục khác xa với bộ phòng dịch mà các nhân viên y tế đang khoác lên người.
Y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ chỉnh tề là những hình ảnh đẹp được lan truyền khắp mạng xã hội... (Ảnh: Báo Nhân dân)
Khác biệt đơn giản nhất là quân phục có thể giặt được, còn bộ phòng dịch PPE chỉ dùng được đúng 1 lần. Tìm hiểu sâu hơn về bản chất, đó là khi sử dụng bộ này, các nhân viên y tế sẽ có mức độ an toàn cao nhất khi tiếp xúc trực tiếp với những mầm bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, khi dịch bùng phát, những bộ PPE luôn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất. Tuy vậy, khi hết tiếp xúc với nguồn bệnh, chúng ta phải cởi ra và tiêu hủy ngay lập tức. Không thể vẫn mặc mà nằm ngồi nghỉ ngơi hay ăn uống. Thậm chí mỗi lần đi "nhẹ" của cả nam và nữ đều phải cởi cả bộ ra và không dùng lại.
Nghiên cứu về Corona virus nói chung cho thấy, việc lây nhiễm chủ yếu qua đường niêm mạc hô hấp. COVID-19 cũng vậy, dù có dính trên bề mặt da nhưng nếu không chạm tay vào rồi bôi vào các vùng niêm mạc mũi miệng mắt... cũng sẽ không làm lây bệnh. Chính vì vậy, tại các phòng ICU hay nơi sàng lọc, chúng tôi mặc PPE với mục đích là khi cởi ra là có thể được nghỉ ngơi không quá lo vào sự bám dính trên quần áo. Nếu chỉ mặc quần áo thông thường bắt buộc phải thay giặt và tắm rửa kỹ càng.
Điều quyết định không để virus lây nhiễm là bảo vệ vùng đầu mặt! Không đưa tay chạm lên mặt trong mọi hoàn cảnh - điều mà chúng ta hay vô thức gây ra. Tập huấn cho các em sinh viên ĐH Y Hà Nội khi vào vùng dịch, chúng tôi luôn nhấn mạnh, khuôn mặt là nơi chúng ta cần bảo vệ tuyệt đối an toàn. Nếu một người bác sĩ nhiều kinh nghiệm chống dịch, họ chỉ cần khẩu trang kính che giọt bắn và găng tay tiêu chuẩn là tỷ lệ bị nhiễm virus không hề cao hơn cho một nhân viên y tế mới vào nghề với trang phục PPE kín mít từ đầu đến chân.
...nhưng khi mặc để làm việc mới hiểu hết được sự khó chịu
Nhớ lại lần đầu vào Huế tăng cường, làm thủ thuật với bộ PPE , mọi hành động đều vô cùng khó khăn. Không gì khó chịu hơn khi người "lùng bùng" sột soạt toàn giấy. Có thể vì vậy mà tôi đã bị dao mổ cắt vào tay, lâu lắm rồi mới xảy ra chuyện như vậy. Cho dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định về lây truyền qua đường máu nhưng tôi đã rất lo lắng vì nghĩ rằng mình chắc bị nhiễm bệnh. Nhưng cuối cùng đợt dịch qua đi mà gần 10 lần xét nghiệm của tôi đều âm tính.
Vậy các bạn sẽ hỏi mặc bộ phòng dịch làm gì? Theo tôi, đây sẽ là trang phục bắt buộc để các bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong môi trường nồng độ virus dày đặc như ICU, khu điều trị hay nơi lấy mẫu mà tỷ lệ dương tính rất cao. Các nhân viên vòng ngoài, truy vết cần tập trung trang bị bảo hộ đầu mặt và tay. Nếu sử dụng bộ phòng dịch PPE, cần nắm vững quy trình, tránh lãng phí và lợi bất cập hại. Khi dịch bùng phát dữ dội, không thể phủ nhận hình ảnh những bộ đồ phòng hộ sẽ làm người dân nâng cao cảnh giác. Nhưng nếu lấy giá trị tinh thần ấy so sánh với những vất vả của nhân viên y tế, theo tôi, cần hết sức cân nhắc cẩn trọng.
*Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/broad-based-testing.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
PGS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội)
Doanh nghiệp tiếp thị