Vào đầu tháng 3 năm nay, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân ở Anh đạt 30%, thì tại Trung Quốc con số này mới chỉ chạm ngưỡng 3,56% - theo tiết lộ của chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), vào thời điểm đó.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng, nhất là khi các biến thể mới tiếp tục xuất hiện và hoành hành trên khắp thế giới. Tính đến cuối tháng 2, Trung Quốc mới chỉ tiêm 52 triệu liều vaccine COVID-19 , trong khi quốc gia này có hơn 1,4 tỷ dân.
Tuy nhiên, ông Chung Nam Sơn - một trong những cố vấn y tế đáng tin cậy nhất của Bắc Kinh - đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối tháng 6. Ông cũng thừa nhận rằng đây là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với Trung Quốc: "Chúng tôi không có nhiều thời gian, và chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm".
Vì chưa có miễn dịch cộng đồng, nên mới đây một khu vực ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, đã bị phong tỏa trở lại để xét nghiệm từng người vì một ổ dịch mới bùng phát.
3 tuần sau cam kết của ông Chung, một chương trình tiêm chủng đại trà trên quy mô toàn quốc đã được triển khai rầm rộ tại Trung Quốc. Các tỉnh và thành phố đã trình bày kế hoạch của riêng họ để đạt được chỉ tiêu, và thậm chí là cạnh tranh với nhau về thành tích tiêm chủng.
Quá trình sản xuất vaccine COVID-19 cũng được đẩy mạnh. Vào ngày 1/2, Trung Quốc chỉ mới sản xuất được 1,5 triệu liều vaccine COVID-19/ngày. Nhưng đến ngày 24/3, nước này đã sản xuất được khoảng 5 triệu liều vaccine COVID-19/ngày. Và chỉ trong ngày 27/5 vừa qua, hơn 20 triệu người trên khắp Trung Quốc đã được tiêm chủng. Tính đến ngày 29/5, Trung Quốc đã tiêm vaccine COVID-19 cho gần 603 triệu người, theo Ủy ban Y tế Quốc gia của nước này.
Tỉ lệ tiêm chủng theo ngày của các quốc gia G20. Nguồn: Our World in Data
Một số chuyên gia Trung Quốc giờ đây tin rằng nước này đang đi trên con đường đạt được miễn dịch cộng đồng. Ông George Gao, giám đốc trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, nói với truyền thông nước này rằng ông hy vọng khoảng 900 triệu đến 1 tỷ người có thể được tiêm chủng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Vậy, làm thế nào mà Trung Quốc có thể "chuyển mình" từ người tụt hậu thành người dẫn đầu trong vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19 chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng?
CÁCH TRUNG QUỐC THUYẾT PHỤC NGƯỜI DÂN ĐI TIÊM
Mặc dù Trung Quốc là nước đầu tiên xác nhận ca nhiễm COVID-19, nhưng chương trình tiêm chủng của nước này lại có khởi đầu không mấy ấn tượng. "Cũng giống như một bộ phận người dân Mỹ, một bộ phận người Trung Quốc cũng do dự về việc tiêm vaccine", ông Huang Yanzhong, một chuyên gia về y tế công cộng của Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại New York, nhận định.
Vào tháng 1 năm nay, một khảo sát với 1,8 triệu người ở thành phố Thượng Hải tham gia đã cho thấy chỉ có khoảng 50% trong số đó sẵn sàng tiêm vaccine. Một tháng sau, một cuộc thăm dò khác với sự tham gia của các nhân viên y tế và phòng chống dịch bệnh ở tỉnh Chiết Giang lân cận cho thấy những người có học thức cao và các nhân viên y tế là đối tượng do dự nhiều nhất. Trong đó, gần 58% số người được hỏi bày tỏ lo ngại về các tác dụng phụ của vaccine.
Sau đó, Bắc Kinh đã triển khai một loạt các biện pháp "củ cà rốt và cây gậy" để thuyết phục người dân đi tiêm phòng. Và giống như hầu hết các chiến dịch toàn quốc khác tại Trung Quốc, chiến dịch lần này cũng bắt đầu bằng một bài phát biểu của nhân vật cấp cao.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, trong bài phát biểu ngày 22/3, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã yêu cầu các sở và địa phương cải thiện tổ chức và điều phối.
"Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Tôn cũng đã đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Bắc Kinh - từ ưu tiên xuất khẩu vaccine thành ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước", chuyên gia Huang cho biết. "Điều đó có nghĩa là việc vận chuyển vaccine Trung Quốc sang các nước đã đặt hàng như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ bị chậm lại".
Các trung tâm tiêm chủng đã được thiết lập trên toàn quốc - tại các bệnh viện, khu dân cư và các chợ điện tử. Các công chức, nhóm nhạc nữ và thậm chí cả ngôi sao bóng rổ Yao Ming cũng tham gia vận động người dân đi tiêm phòng. Các đảng viên, công chức nhà nước được khuyến khích trở thành tấm gương.
Những nhân vật nổi tiếng như bác sĩ Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải mà tờ New York Times của Mỹ mệnh danh là "Tiến sĩ Fauci" của Trung Quốc (Tiến sĩ Anthony Fauci là cố vấn dịch tễ học của Nhà Trắng), đã lên truyền hình để cảnh báo về hiểm họa của việc tự mãn.
"Khi mọi người nghĩ rằng không còn vấn đề gì nữa, thì dịch bệnh lại đột ngột tái xuất", ông Trương phát biểu trong tháng 5.
So sánh số liều vaccine được tiêm chủng mỗi ngày tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Đức, Anh, Italy và Pháp. Ảnh: Our World in Data
Tại Thượng Hải, một số khu dân cư trao thưởng cho mỗi người mới tiêm phòng 300 Nhân dân tệ (hơn 1 triệu VNĐ); một số nơi khác tặng sữa, trứng và bột giặt cho người đi tiêm. Tại tỉnh Tứ Xuyên, ủy ban y tế của tỉnh đã sử dụng bài hát mang tên Get Jabbed Quick để vận động người dân tiêm phòng.
Nhưng có lẽ công cụ thuyết phục mạnh mẽ nhất là những đợt bùng phát mới - dù trên quy mô nhỏ - trên khắp nước này. Vào giữa tháng 5, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 4 ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng tại một thành phố nhỏ ở tỉnh An Huy - sau 20 ngày "sạch" dịch bệnh. Các quan chức địa phương đã nhấn mạnh vào thực tế là những người bị nhiễm bệnh đều chưa tiêm phòng.
Chiến dịch vận động của Trung Quốc đã đạt được kết quả đáng kinh ngạc. Ngày 27/3, gần 100 triệu người đã được tiêm chủng. Đến ngày 21/4, Trung Quốc lại tăng con số này lên 100 triệu liều nữa. Sau đó, truyền thông Trung Quốc cho biết các nhà chức trách chỉ mất 16 ngày để tăng thành tích lên thêm 100 liều.
Động lực này tiếp tục được duy trì trong tháng 5. Đến ngày 23/5, giới chức Trung Quốc xác nhận đã có hơn nửa tỷ dân được tiêm vaccine COVID-19.
Truyền thông nhà nước đã ca ngợi chiến dịch vận động hiệu quả của chính phủ, và gọi đó là tiêm chủng với "tốc độ Trung Quốc". Tân Hoa Xã nhấn mạnh: "Trung Quốc quả thực phải đối mặt với thách thức trong việc hiện thực hóa khả năng miễn dịch cộng đồng khi đây là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng tốc độ tiêm chủng thần tốc của Trung Quốc đã cho thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Ông Ben Cowling, người đứng đầu bộ phận thống kê dữ liệu sinh học và dịch tễ học của Đại học Hồng Kông nhận định: "Đó là một tin tức tuyệt vời trong thời điểm hiện tại". Ông Cowling cho biết, với tốc độ hiện tại, hơn 50% hoặc 60% dân số Trung Quốc có thể được tiêm chủng vào cuối mùa hè năm nay. "Một khi tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 60 hoặc 70%, thì việc nới lỏng một số biện pháp phòng dịch như cách ly người nhập cảnh sẽ an toàn hơn", chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, ông Huang lại không nghĩ như vậy. Trước tình hình một số quốc gia đã và đang sử dụng vaccine Trung Quốc nhưng dịch vẫn bùng phát, ví dụ như Seychelles, chuyên gia này đã bày tỏ lo ngại về hiệu quả chưa cao của vaccine.
"Virus sẽ không biến mất, và có lẽ đã đến lúc chúng ta cần cập nhật tư duy về cái mà chúng ta gọi là miễn dịch cộng đồng. Nếu Trung Quốc kiên quyết duy trì các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ như hiện tại, thì việc tiến về phía trước sẽ gặp thách thức lớn. Cuối cùng, thì chúng ta sẽ cần phải học cách chung sống với virus", ông Huang kết luận./.
(Theo The Guardian)
Hồng Anh
Doanh nghiệp tiếp thị