Không nộp tiền: Không kiểm tra thực địa, không bổ sung hồ sơ
Như chúng tôi thông tin, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý, trụ sở đặt tại đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP.Cà Mau) đang chịu thuế oan hơn 26 tỷ đồng. Để tránh những văn bản hối thúc của ngành thuế, Công ty Công Lý buộc nộp thuế oan hơn 10 tỷ đồng còn nợ hơn 16 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cho biết, 5 năm qua, doanh nghiệp đã có hàng chục văn bản gởi các cơ quan, ban ngành từ địa phương cho đến Trung ương hối thúc việc kiểm tra thực địa, cắm mốc.
Tại Báo cáo số 80/BC-BTNMT ngày 14-9-2018 của Bộ trưởng Bộ TN-MT gởi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà xác định: "Công ty Công Lý chưa thực hiện việc khai thác, sử dụng khu vực biển 1.968,8ha biển vào mục đích khai thác năng lượng gió và không sử dụng vào mục đích khác. Công ty Công Lý và UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Tuy nhiên, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT chưa có quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Đây cũng là điểm hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường cần nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới".
Ông Tô Hoài Dân cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Khu Du lịch Khai Long - Cà Mau có quy mô 100MW gồm xây dựng 50 móng trụ turbine gió trên biển, bằng bê-tông cốt thép bền sunfát trên hệ cọc đài cao có đường kính 800, xây dựng 27km cầu dẫn cáp bê-tông cốt thép trên biển để đấu nối các turbine gió, các hạng mục khu điều hành như: Nhà văn phòng Ban quản lý dự án, nhà điều hành, nhà nghỉ công nhân. Về hệ thống hạ tầng điện: Xây dựng 1 trạm biến áp 22/110kV, 50 trạm biến áp 0.69/22kV trên các móng trụ, đường dây 22kV chiều dài 2,6km và hệ thống cáp ngầm đi trên cầu dẫn chiều dài 62km để đấu nối và dẫn điện các turbine. Tổng số vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Sau 2 năm thực hiện dự án, năm 2018, công ty xây dựng trụ sở làm việc, Trạm biến áp 110 KV với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đường giao thông đấu nối vào Ban quản lý dự án với số tiền 46 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty thực hiện các dự án chống sạt lở bằng nguồn vốn tự có với số tiền 70 tỷ đồng để giữ lại lượng đất cát bồi tụ thời gian dài và phòng ngừa xói mòn, bảo vệ đất đai rừng phòng hộ... Thật bất ngờ, Bộ TN-MT không tiến hành kiểm tra thực địa để cắm cột mốc. Ông Dân chua xót: "Các cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra thực địa, không cắm cột mốc, công ty không thể sử dụng. Thứ nhất vi phạm Quyết định 2115/2016 giao khu vực biển có diện tích 1968,8 ha cho Công ty Công Lý làm dự án điện gió của Bộ TN-MT phải có kiểm tra thực địa, cắm mốc mới sử dụng. Thứ hai, không có cắm mốc, tôi sử dụng thì bị lực lượng biên phòng bắt giữ. Tôi thực hiện theo quyết định của Bộ TN-MT lại bị tính thuế oan".
Ngày 9-8-2018, đại diện Công ty Công Lý gởi hồ sơ đến Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề nghị bổ sung quyết định giao khu vực biển. Hơn 1 năm sau, ngày 8-10-2019, ông Đoàn Quang Sinh, Cục trưởng Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo thuộc Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam có văn bản số 309 gởi Công ty Công Lý. Theo văn bản trên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, Công ty Công Lý chưa nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định nên chưa đủ điều kiện để xem xét, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển theo quy định. Công ty tiếp tục khiếu nại khắp nơi nhưng không nhận được hồi âm. Ngày 5-2-2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có văn bản số 117 phúc đáp. Theo đó, cơ quan này cho rằng do Công ty Công Lý chậm nộp tiền khu vực biển nên chưa kiểm tra thực địa. Đồng thời, Tổng cục khẳng định khi nào công ty nộp đủ tiền thì mới kiểm tra thực địa (?).
"Cầu cứu" trong vô vọng!
Theo ông Tô Hoài Dân, khi thực hiện dự án, công ty được lãnh đạo địa phương ủng hộ. Địa phương phát hiện có nhiều bất cập đối với nhà đầu tư và đã có nhiều văn bản gởi các cơ quan Trung ương "cầu cứu" nhưng chưa được giải quyết thoả đáng. Công ty Công Lý liên tục gặp hàng loạt khó khăn. Ngày 15-9-2017, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản số 7252 gởi Bộ TN-MT, Bộ Tài chính. Văn bản trên ghi rõ, Dự án điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau là dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nằm trong danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư trên địa bàn kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT ngày 7-12-2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ TN-MT thì nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng khu vực biển. "Thực tế, Công ty Công Lý không khai thác, sử dụng tài nguyên biển... UBND tỉnh Cà Mau kính trình Bộ Tài chính, Bộ TN-MT miễn thu tiền sử dụng khu vực biển trong suốt vòng đời dự án để thực hiện chính sách nhất quán ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh, văn bản ghi rõ. Thế nhưng, hai bộ này không đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Cà Mau.
Ngày 24-7-2020, Công ty Công Lý liên tục bị Cục thuế tỉnh Cà Mau ra văn bản hối thúc việc thanh toán thuế oan hàng chục tỷ đồng, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xem xét tham mưu cho Bộ TN-MT phối hợp với các Bộ Tài chính, bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với Dự án Điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý phải xét đến yếu tố khách quan như: có quyết định giao nhưng thực tế Công ty Công Lý chưa khai thác sử dụng khu vực biển. Và cho đến nay, thuế mà công ty nhận nợ oan tăng lên hơn 26 tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.843311_tex-mex-coud-gnohk-uuc-uek-nab-nav-taol-gnah/taul-pahp-oeht-gnos/nv.moc.nagnoc