Đối với một cô gái trẻ đang theo học tại đại học ở Seoul, diễn biến như tàu lượn siêu tốc gần đây của thị trường tiền số đã khiến cô rơi vào trạng thái liên tục khủng hoảng. Đợt sụt giảm vừa qua được coi là một tuần địa ngục đối với nhà đầu tư tiền số. Cô gái chia sẻ: "Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ điều gì. Tôi không thể chịu đựng nổi."
Giống như nhiều người Hàn Quốc ở cùng độ tuổi, cô đã trích số tiền đáng kể trong khoản tiết kiệm để đầu tư. Cô chi 1 triệu won (900 USD) vào thị trường tiền số để tăng khoản tiền tiết kiệm cho tương lai, trong bối cảnh việc có một khoản tiền dự phòng ngày càng trở nên khó khăn đối với thế hệ trẻ Hàn Quốc. Khi giá tiền số tăng mạnh vào tháng 4, cô đã thu về khoản lãi chưa thực hiện là 5 triệu won, nhưng sau đó thị trường nhanh chóng lao dốc 40%.
Dù khoản đầu tư ban đầu vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cô biết rằng nhiều người bạn của mình đang chìm sâu trong những khoản lỗ. Cô cho hay: "Tôi sẽ phải nắm giữ đến khi giá tăng trở lại. Tuy nhiên, tôi không chắc là bao nhiêu năm."
Theo ước tính của ngành, Hàn Quốc đã trở thành một điểm nóng của hoạt động đầu cơ tiền số. Cơn sốt đầu cơ đã tạo ra một cụm từ mới "kimchi premium" - miêu tả tình trạng giá Bitcoin ở Hàn Quốc cao hơn phần còn lại của thị trường, có thời điểm vượt quá mức tăng 20%.
Dù có thể là đồng tiền số phổ biến nhất, nhưng Bitcoin lại chưa chiếm đến 10% khối lượng giao dịch ở Hàn Quốc. Hơn 90% còn lại là những giao dịch altcoin, trong đó có những đồng tiền không rõ nguồn gốc.
Phần lớn, hoạt động đầu tư tiền số ở Hàn Quốc được thực hiện bởi những người ở độ tuổi 20-30. Trong quý I/2021, 2,5 triệu tài khoản mới đã được mở trên 4 nền tảng giao dịch tiền số lớn nhất trong nước, theo Kwon Eun-hee – đại diện của đảng Quyền lực Nhân dân. Trong số đó, 33% ở độ tuổi 20, trong khi 31% ở độ tuổi 30.
Cổng thông tin tìm kiếm việc làm Alba Heavne đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.750 sinh viên và mới công bố ngày 31/5. Trong đó, 53% có quan điểm tích cực về việc đầu tư vào tiền số. Những người tự đầu tư vào tiền số chiếm 24%.
Trong số những người ủng hộ việc giao dịch tiền số, 33% cho rằng tỷ suất sinh lời cao chính là yếu tố thu hút họ. Điều đáng lo ngại hơn là 15% cho biết tiền số đóng vai trò là "cơ hội cuối cùng để thoát khỏi vị trí hiện tại trong xã hội của họ".
Thanh niên Hàn Quốc ngày nay đang ngày càng thiếu đi sự kiên nhẫn, cùng với đó cơ hội tăng khả năng tài chính không cao như những thế hệ trước đó. Ngay cả đối với những người chiến thắng trong cuộc đua cam go để trở thành nhân sự của 1 trong những tập đoàn hàng đầu quốc gia cũng không thể mua được nhà, nguyên nhân là do bong bóng bất động sản nhà ở.
Những áp lực này đã khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc tin rằng con đường thông thường để đạt được hạnh phúc mà các phụ huynh đã thực hiện – kết hôn, mua nhà và sinh con, giờ đây là khó có thể đạt được. Do đó, đầu tư vào tiền số và chứng khoán là cơ hội để họ đổi đời.
Trong bối cảnh đó, Eun Sung-soo – Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, đã nhận được những lời chỉ trích từ giới trẻ sau khi đưa ra bình luận phản đối tiền số và các trader trong phiên điều trần vào tháng trước. Bình luận của ông đưa ra sau khi một nhà lập pháp bày tỏ sự lo ngại về cách thức giao dịch tiền số không tuân theo các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch hàng ngày đã cao gấp đôi so với chỉ số Korea Composite Stock Price.
Ông Eun cho biết: "Tiền số không phải là tài sản chứng khoán bị ràng buộc bởi Đạo luật Thị trường vốn, mà là tài sản ảo không rõ nguồn gốc." Ông cũng kiên quyết từ chối gọi những người mua tiền số là nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông nói: "Chính phủ không có nhiệm vụ phải bảo vệ họ. Nếu họ đi sai hướng, người lớn phải cảnh báo rằng họ đang phạm sai lầm."
Theo đó, những lời bình luận này đã gây ra phản ứng dữ dội vào ngay ngày hôm sau. Thậm chí, một người còn gửi thư đến trang web của Nhà Xanh và kêu gọi ông Eun từ chức.
Giới chức Hàn Quốc đã và đang đưa ra những biện pháp kiểm soát các loại tiền số. Luật sửa đổi được thực thi vào tháng 3 yêu cầu các nền tảng giao dịch tiền số phải hợp tác với ngân hàng, để đảm bảo các giao dịch được thực hiện dưới tên thật vào cuối tháng 9. Các nền tảng không tuân thủ sẽ buộc phải ngừng giao dịch.
Những biện pháp này được đưa ra nhằm ngăn chặn các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp khác. Theo Nikkei, mục đích của các cơ quan quản lý là buộc các nền tảng giao dịch nhỏ hơn phải đóng cửa. Hàn Quốc hiện có 4 nền tảng giao dịch tiền số lớn - Bithumb, Upbit, Coinone và Korbit, đều hợp tác với các ngân hàng namely Shinhan Bank, Nonghyup Bank và nhà cho vay trực tuyến K Bank.
Hầu hết các ngân hàng Hàn Quốc đều do dự khi hợp tác với những sàn giao dịch tiền số. Nguyên nhân đến từ mối lo ngại liên quan đến hoạt động chống tội phạm, cùng với đó lập trường tiêu cực đối với thị trường này của các cơ quan tài chính.
Thị trường Hàn Quốc đã bão hòa với hơn 200 nền tảng tiền số. Dù một số ngân hàng nhỏ đến trung bình sẵn sàng tạo mối quan hệ đối tác, nhưng hầu hết các nền tảng lại không có mối liên hệ với ngân hàng. Do đó, có khả năng một số lượng lớn nền tảng sẽ phải ngừng hoạt động vào tháng 9.
Trong khi đó, người trẻ Hàn Quốc hầu như đi vay để đầu tư tiền số. NHTW Hàn Quốc cho biết, nợ hộ gia đình đã tăng 8% vào cuối năm 2020 so với 1 năm trước, nhưng nợ của những người trong độ tuổi 20-39 đã tăng 17%. Dường như, thế hệ trẻ nước này đang mong muốn làm giàu dù phải đi vay.
Hiện tại, vô số altcoin đang lưu hành trên thị trường tiền số Hàn Quốc. Điều này đã gây ra tình trạng quá tải cho các nền tảng giao dịch và hệ thống dữ liệu yếu, dẫn đến các giao dịch bị tạm dừng. Ngoài ra, cũng có rất nhiều kẻ lừa đảo hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tiền cho những người nhẹ dạ cả tin.
Tham khảo Nikkei