Hiện tại, FLC chưa có thông tin chính thức về thời điểm chốt danh sách cổ đông. Tuy nhiên nguồn tin từ đại diện FLC cho biết hiện các phương án vẫn đang được bàn thảo, và không loại trừ sẽ cố gắng chốt danh sách sớm nhất vào thời điểm dự kiến 21/6.
Số lượng cổ phiếu FLC đang lưu hành đạt gần 710 triệu đơn vị, như vậy lượng cổ phiếu dự kiến chào bán trong đợt huy động vốn lần này xấp xỉ gần 500 triệu đơn vị. Với tỷ lệ 10:7, mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới.
Theo kế hoạch, tại đợt chào bán lần này, cổ đông có thể chuyển quyền mua của mình cho người khác. Giá chào bán chưa được xác định, dự kiến HĐQT sẽ được uỷ quyền quyết định mức giá phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm triển khai.
Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 70% số lượng cổ phiếu chào bán. Trong trường hợp tỷ lệ sở hữu của cổ đông sau khi thực hiện quyền mua vượt quá 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết thì cổ đông đó không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Sau khi kết thúc chào bán, trong trường hợp diễn ra như kì vọng, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành đạt trên 1,2 tỷ đơn vị.
Với số tiền dự kiến gần 5.000 tỷ đồng thu về sau khi phát hành thêm cổ phiếu, FLC lên kế hoạch đầu tư vào 8 dự án bất động sản (4.500 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (gần 470 tỷ đồng). Một số dự án tiêu biểu như Đô thị Cao Xanh – Hà Khánh (Quảng Ninh); giai đoạn 2 quần thể FLC Quảng Bình; dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch…
Kết thúc năm 2020, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC đạt 38.460 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 15.250 tỷ đồng (nếu tính cả Bamboo Airways thì tổng doanh thu ước đạt khoảng 30.000 tỷ); lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng, sau thuế gần 900 tỷ, tăng khoảng 3 lần so với 2020.
PV
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị