Lại rộ lên tin nhắn lừa đảo qua ứng dụng Zalo
Chánh Trung
(KTSG Online) – Trong những ngày qua, những tin nhắn giả mạo ngân hàng tặng tiền, doanh nghiệp tặng đồng hồ… lại xuất hiện trên ứng dụng Zalo. Đây là thủ đoạn của kẻ gian nhằm lấy cắp thông tin người dùng như tài khoản ứng dụng để từ đó lấy cắp tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền...
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng không nên nhấp (click) vào các tin nhắn Zalo có đường dẫn (link) lạ. Ảnh minh họa: Chánh Trung |
Những ngày qua nhiều người sử dụng Zalo tại Việt Nam phản ánh hiện tượng bị mất tài khoản Zalo thậm chí thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Anh N.D.Quốc (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết trong nhóm chat Zalo bạn bè anh bỗng dựng nhận được các tin nhắn có nội dung như: “Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Rolex. Quà tặng miễn phí cho tất cả mọi người. Bạn có cơ hội nhận được một đồng hồ Rolex”; hay như “Kỷ niệm 6 năm thành lập Shopee! Gửi điện thoại di động... Shopee tặng quà cho bạn, hãy vào để nhận!”.
"Nhiều người bạn của tôi đã nhấn vào các đường đường dẫn (link) trong tin nhắn này vì tưởng là có sự kiện thật. Kết quả là sau đó một người bạn của tôi đã bị mất mật khẩu tài khoản Zalo", anh Quốc cho biết thêm.
Bên cạnh đó nhiều người dùng cũng phản ánh sau khi mở đường link trên thì được yêu cầu nhập rất nhiều thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng… Nhiều người đã làm theo các bước này và ngay sau đó không thể đăng nhập lại được các tài khoản ngân hàng trên ứng dụng Internet, phải liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản.
Liên quan đến vụ việc này, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc quốc gia hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam nói rằng trong trường hợp này sẽ có 2 tình huống xảy ra. Cụ thể, nếu người dùng sử dụng máy tính mà truy cập vào đường link trong các tin nhắn lạ thì sẽ được chuyển hướng sang một trang web giả mạo. Tại đây nếu người dùng điền các thông tin vào thì sẽ có nguy cơ mất mật khẩu, thông tin tài khoản Zalo, tài khoản ngân hàng.
Nếu người dùng sử dụng điện thoại (smartphone) và truy cập vào các đường link thì cũng được chuyển sang một trang web giả mạo mới và nếu nhập thông tin tại đây người dùng cũng có thể mất mật khẩu, thông tin tài khoản. "Nguy hiểm hơn, tin tặc (hacker) có thể khởi chạy một chương trình ảo và ghi lại các thông tin người dùng nhập trên màn hình điện thoại. Với khả năng này thì khi người dùng sử dụng các ứng dụng tài chính, ngân hàng hacker có thể thu được các thông tin về tài khoản của người dùng, mã OTP và sẽ đánh cắp tài khoản, thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tiền của khách hàng. Vì vậy người dùng cần hết sức cảnh giác khi nhận được những tin nhắn có đường link lạ. Có thể dùng Google để kiểm tra thông tin của các đường link này xem có giả mạo website nào đó không”, ông Khanh nói.
Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã có cảnh báo liên quan hiện tượng nhiều thuê bao di động nhận được các tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng,… nhằm lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Để phòng ngừa và phối hợp xử lý, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân: kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng (app) trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các trang web, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng. Người dân cũng có thể thông báo cho cơ quan công an hoặc Cục An toàn thông tin khi phát hiện các đối tượng sử dụng, mua bán, trao đổi các thiết bị phát sóng giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster) qua số đường dây nóng của Cục An toàn thông tin 0339035656. |
Xem thêm: lmth.-olaz-gnud-gnu-auq-oad-aul-nahn-nit-nel-or-ial/588613/nv.semitnogiaseht.www