FPT nói gì sau khi HOSE ‘đóng cửa’ sớm?
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – FPT, doanh nghiệp công nghệ phối hợp cùng HOSE để khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, cho biết đến cuối tháng 6 mới hoàn tất giai đoạn "kiểm thử diện rộng" trên toàn thị trường, sau đó mới quyết định chuyện đưa hệ thống mới vào hoạt động.
Hình minh họa: TTXVN. |
Ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo ngừng giao dịch phiên chiều ngày 1-6-2021, tập đoàn FPT gửi thông cáo báo chí cập nhật tiến độ triển khai dự án khắc phục tình trạng quá tải hệ thống diễn ra trong nhiều tháng qua.
Theo đó, đại diện FPT cho biết hai bên đã cùng triển khai giai đoạn "kiểm thử diện hẹp" của dự án từ ngày 16-4 đến 22-5. Trong giai đoạn này, FPT cho biết đã hoàn thành việc cài đặt hệ thống phần cứng, bàn giao hệ thống phần mềm cho HOSE để thực hiện kiểm thử nội bộ, và mở rộng việc thử nghiệm với hơn 20 Công ty chứng khoán thành viên.
“Tính đến thời điểm kết thúc giai đoạn kiểm thử diện hẹp, hệ thống đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra với kết quả khả quan. Việc thử nghiệm với 20 công ty chứng khoán đã phủ đến 80% các tình huống kỹ thuật, nghiệp vụ có thể xảy ra”, vị đại diện FPT cho biết.
Hiện FPT và HOSE chuyển sang giai đoạn "kiểm thử diện rộng" với quy mô toàn thị trường, được thực hiện từ ngày 24-5 đến 25-6, bao gồm 73 Công ty chứng khoán thành viên của HOSE, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội, và các đơn vị nhận dữ liệu thị trường.
“Hai bên cũng đang tiếp tục kiểm thử các tiêu chí về hiệu năng, bảo mật hệ thống và lên các các kịch bản chuyển đổi hệ thống. Kết quả giai đoạn kiểm thử toàn thị trường sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức”, đại diện FPT thông tin.
Tuy nhiên, FPT vẫn chưa bình luận gì thêm sự cố HOSE ngừng giao dịch phiên chiều ngày 1-6, liệu có ý nghĩa gì trong giai đoạn kiểm thử diện rộng của hai bên?
Trước đó, trong phiên họp ngày 9-3 giữa Bộ tài chính và các đơn vị tham gia thị trường, FPT được chỉ định là đơn vị phối hợp cùng HOSE xử lý tình trạng nghẽn lệnh.
Đến cuối tháng 3, HOSE cho biết giải pháp là dùng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và sẽ triển khai trên nền tảng hạ tầng tại HOSE, để có thể thay thế hệ thống khớp lệnh của HOSE hiện tại. Mục tiêu đặt ra là hệ thống sẽ xử lý được khoảng từ 3-5 triệu lệnh một ngày. Hệ thống HOSE trước đó có công suất thiết kế là 900.000 lệnh.
Giải pháp này được đánh giá là tối ưu bởi thời gian triển khai, cũng như giúp giảm thiểu các tác động thay đổi đối với hệ thống. Theo khảo sát của FPT khi đó thì thời gian dự kiến triển khai là khoảng 3-4 tháng.
Trên thực tế, trong khoảng thời gian tháng 4-5 vừa qua, “ngưỡng chịu đựng” của HOSE được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây chỉ cần giá trị giao dịch khoảng 12-14.000 tỉ đồng là nghẽn lệnh, thì hiện nay cũng lên khoảng 20.000 tỉ đồng.
“Tình trạng tắc nghẽn lệnh trên sàn HOSE tiếp tục diễn ra trong tháng 4-2021 nhưng sàn giao dịch “bằng cách nào đó” đã điều chỉnh hệ thống, nâng thanh khoản lên 30% và giúp VN-Index bứt phá trên 1.200 điểm và tăng lên 1.268 điểm vào giữa tháng 4-2021”, báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) nhận định.
Tuy nhiên, trong các phiên giao dịch trong tuần trước HOSE đã có dấu hiệu nghẽn lệnh. Đến phiên giao dịch ngày 1-6 thì HOSE quyết định ngừng giao dịch phiên chiều với lý do là đảm bảo an toàn hệ thống khi giá trị thanh khoản vọt lên 21.700 tỉ đồng.
Xem thêm: lmth.mos-auc-gnod-esoh-ihk-uas-ig-ion-tpf/098613/nv.semitnogiaseht.www