Sức ép chi phí nguyên liệu khiến nhiều nhà máy Trung Quốc dừng nhận đơn hàng mới
Chánh Tài
(KTSG Online) – Chi phí nguyên liệu thô tăng cao cộng với tình trạng thiếu công nhân đang khiến nhiều công ty sản xuất của Trung Quốc dừng nhận đơn hàng mới, thậm chí cân nhắc dừng hoạt động tạm thời. Diễn biến này ở đất nước được xem là công xưởng của thế giới có thể gây căng thẳng thêm cho các chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Công nhân hàn vành xe đạp ở một nhà máy ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: China Daily/Reuters |
Dừng nhận đơn hàng vì không kham nổi chi phí nguyên liệu
Lượng đơn hàng của hầu hết các sản phẩm từ xe đạp cho đến laptop tăng vọt khi người tiêu dùng phương Tây chi tiêu tiền trợ cấp và khoản tiết kiệm tích lũy trong đại dịch, gây sức ép lên các chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao.
Theo Wall Street Journal, dù nhiều công ty sản xuất ở Trung Quốc đã chuyển chi phí tăng thêm cho các khách hàng nước ngoài, nhưng một số công ty cho biết rất khó tăng giá bán sản phẩm lên mức đủ để bù đắp chi phí nguyên liệu thô tăng thêm, vì họ sợ đánh mất thị phần vào tay của các đối thủ cạnh tranh. Một số nhà sản xuất cho biết họ đang tìm kiếm các giải pháp khác để tránh thua lỗ.
Hồi giữa tháng 5, Công ty Zhongshan Xiliwang Electrical Appliances, nhà sản xuất máy hút mùi nhà bếp ở miền Nam Trung Quốc, thông báo với các khách hàng rằng sẽ tạm thời dừng nhận đơn hàng mới và khuyên họ chờ thêm 2 tuần để thương lượng hợp đồng. Công ty này đang hoạt động chịu lỗ kể từ tháng 4, một phần là vì đà tăng giá liên tục của các kim loại, thủy tinh và bộ chuyển mạch.
Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 31-5 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc giảm nhẹ về mức 51 điểm trong tháng 5 so với mức 51,1 điểm trong tháng 4 do lượng đơn hàng mới giảm. Chỉ số PMI ngành sản xuất trên ngưỡng 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, một chỉ số nhỏ khác theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ lại rơi vào suy giảm (dưới 50 điểm) sau hai tháng tăng trưởng liên tiếp. Một chỉ số theo dõi giá cả của các nguyên liệu thô quan trọng đối với ngành sản xuất Trung Quốc tăng lên mức 72,8 điểm trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 11-2010 |
Xing Jialiang, chủ một nhà máy thủy tinh ở TP Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông cho hay, công ty ông cũng không còn phương án nào khả thi để ứng phó với cơn tăng giá của nguyên liệu đầu vào. Ông đã tăng giá bán các sản phẩm thêm 5% trong năm nay nhưng không đủ để bù đắp cho mức tăng 10% của chí phí sản xuất.
Ông nói: “Có thể chúng tôi phải dừng sản xuất trong 1 tháng nếu chi phí nguyên liệu thô tiếp tục tăng”.
Nhiều nhà sản xuất hy vọng nếu trì hoãn đơn hàng hoặc giảm tiến độ sản xuất, họ có thể vượt qua thời kỳ giá nguyên liệu đắt đỏ hiện nay mà không bị thua lỗ lớn, cho đến khi giá cả trở lại bình thường hoặc nhu cầu hàng hóa của người tiêu dụng toàn cầu hạ nhiệt.
Nhưng chiến lược này có thể thất bại nếu giá cả nguyên liệu thô tiếp tục tăng hoặc nếu nhu cầu của người tiêu dùng phương Tây không giảm. Trong kịch bản đó, giải pháp hạn chế sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hàng hóa và điều này có thể gây sức ép thêm cho chi phí sản xuất.
“Nếu sức ép chi phí đầu vào kéo dài dai dẳng, sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc phải dừng sản xuất hoặc chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng ở trong nước và nước ngoài”, Shuang Ding, nhà kinh tế ở Ngân hàng Standard Chartered nhận định. Ông cho rằng giải pháp chuyển chi phí cho khách hàng có thể được ưu tiên lựa chọn vì các cơn bùng phát Covid-19 gần đây ở các nước châu Á khác giúp các nhà sản xuất Trung Quốc có thêm lợi thế mặc cả với khách hàng nước ngoài. Hậu quả là sức ép lạm phát sẽ gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc gồm Mỹ, nơi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối tương quan mạnh mẽ giữa lạm phát chi phí sản xuất ở Trung Quốc và lạm phát tiêu dùng ở Mỹ”, Shuang Ding nói.
Giới lãnh đạo lo lắng
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng lo ngại về tình hình giá cả hàng hóa nguyên liệu vì những lý do khác. Đà bật dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào ngành công nghiệp sản xuất đang hoạt động hết tốc lực của nước này, nếu triển vọng lợi nhuận của các nhà sản xuất xấu đi, điều này sẽ kìm hãm tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong những tuần gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc liên tiếp đưa ra các cảnh báo sẽ kiểm soát tình trạng chi phí đầu vào của ngành sản xuất đang tăng lên. Họ yêu cầu các doanh nghiệp không được thao túng thị trường, tích trữ đầu cơ hàng hóa và tiến hành các hoạt động khác có thể đẩy giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao hơn.
Tại một cuộc họp hôm 20-5 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết cần nhiều hành động hơn nữa để ngăn chặn chi phí tăng thêm của nguyên liệu chuyển sang cho người tiêu dùng.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Nhân Dân Trung Quốc (PBOC) tại Thượng Hải thực hiện, 47% nhà sản xuất nói rằng họ sẽ tăng giá bán sản phẩm trong ngắn hạn, 37% cho biết họ sẽ thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới và 38% dự báo giá nguyên liệu thô sẽ tiếp tục tăng trong quí 3 sắp tới.
Không tuyển đủ công nhân
Một vấn đề khác đối với các nhà máy Trung Quốc là không phải lúc nào họ cũng có đủ công nhân để đáp ứng kịp nhu cầu hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu.
David Li, Tổng Thư ký Hiệp hội giày dép châu Á ở TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất ở miền nam Trung Quốc cho biết, nhiều nhà máy giày dép ở đây chứng kiến lượng đơn hàng tăng vọt trong năm nay nhưng không thể tuyển đủ công nhân trẻ. Ông nói: “Đây không chỉ là vấn đề riêng của Quảng Đông mà là của cả nước. Ngày nay, giới trẻ thích làm nhân viên giao hàng hơn là làm việc ở các nhà máy”.
Foshan Modern Copper & Aluminum Extrusion, một công ty chế biến nhôm ở tỉnh Quảng Đông cho biết, nhà máy của công ty này vẫn thiếu 70 công nhân dù đã tăng lương thêm 10% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng 3% mỗi năm trước đại dịch Covid-19. Huang Ruifeng, đại diện của công ty này, nói: “Rõ ràng mức tăng lương đó vẫn chưa đủ để hấp dẫn đối với nhiều thanh niên”.
Theo Wall Street Journal