Người đàn ông 41 tuổi ở thành phố Trấn Giang lên cơn sốt và có một số triệu chứng khác vào ngày 23/4, được nhập viện ngày 28/4, hiện giờ sức khỏe ổn định, Xinhua đưa tin. Tất cả những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được giám sát y tế và chưa ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Báo chí Trung Quốc không đưa tin về cách thức lây nhiễm của virus H10N3 ở người.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung Quốc đã thực hiện giải trình tự toàn bộ bộ gien có trong mẫu bệnh phẩm hôm 28/5 và kết quả là dương tính với virus cúm gia cầm H10N3. Phân tích giải trình tự gien cho thấy, chủng virus này không dễ lây sang người và nguy cơ bùng phát dịch quy mô lớn là rất thấp, Xinhua dẫn lời một số chuyên gia.
Hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc không nói rõ đây là bệnh nhân thứ mấy nhiễm cúm gia cầm, nhưng nhiều cơ quan báo chí khác của nước này, trong đó có báo Global Times, đưa tin đây là bệnh nhân H10N3 đầu tiên ở Trung Quốc và cũng là đầu tiên trên thế giới. “Trước đây, không có bệnh nhân nào khác mắc H10N3 được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu”, Global Times dẫn tuyên bố của Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc.
“H10N3 không phải là chủng virus phổ biến lắm”, Reuters ngày 1/6 dẫn lời ông Filip Claes, điều phối viên các phòng thí nghiệm khu vực thuộc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung tâm Phản ứng khẩn cấp với bệnh động vật xuyên biên giới, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO). Chỉ có khoảng 160 trường hợp nhiễm H10N3 được ghi nhận trong 40 năm tính từ năm 2018 trở về trước; hầu hết là ở chim hoang hoặc thủy cầm (vịt, ngan…) ở châu Á và một phần Bắc Mỹ, ông Claes nói. Trong giai đoạn 40 năm đó, các nước không ghi nhận ca mắc H10N3 ở gà.
Cần phân tích kỹ dữ liệu gien của H10N3 lây sang người ở Trung Quốc để xác định xem chủng virus cúm gia cầm này có giống các chủng virus xuất hiện trước đó hay không hay đây là một chủng mới, là sự kết hợp của nhiều chủng khác nhau, ông Claes nói.
Nhiều chủng virus cúm gia cầm xuất hiện ở Trung Quốc những năm gần đây. Một số chủng virus thỉnh thoảng lây nhiễm sang người, đặc biệt là những người làm việc với gia cầm. Chủng virus cúm gia cầm H7N9 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 người trong giai đoạn 2016-2017. Nguy cơ mà virus H5N8 gây ra với người là thấp, nhưng chủng virus cúm gia cầm này khiến tỷ lệ tử vong ở gia cầm và chim hoang dã là rất cao. Hồi tháng 4/2021, chủng virus H5N6 có khả năng lây lan nhanh được tìm thấy ở nhiều loại chim hoang dã ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, vùng đông bắc Trung Quốc.
Người có thể nhiễm nhiều loại virus cúm gia cầm
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ năm 2003 tới nay, có tổng cộng 861 người nhiễm virus H5N1 ở 17 nước (thuộc châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ), gồm 455 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 52,8%. WHO ghi nhận, trong giai đoạn 2003-2015, Trung Quốc có 53 người nhiễm virus H5N1, gồm 31 ca tử vong (tỷ lệ 58,5%). Năm 2019, Nepal ghi nhận một ca mắc H5N1 và bệnh nhân đã tử vong. “Số ca mắc H5N1 nhiều nhất đến từ Ai Cập, Indonesia và Việt Nam… Trường hợp người nhiễm virus H5N1 đầu tiên ở châu Mỹ là một người ở Canada được ghi nhận hôm 8/1/2014 sau khi từ Trung Quốc trở về. Dù số người nhiễm loại virus này thấp nhưng xấp xỉ 60% số ca mắc đã tử vong”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ thông báo.
Theo WHO, mặc dù các virus cúm gia cầm được xác định gần đây hiện không dễ dàng truyền từ người sang người, nhưng sự lưu hành liên tục của các virus này ở gia cầm đặc biệt đáng lo ngại, vì chúng gây bệnh nặng ở người và có khả năng biến đổi thành bệnh lây truyền từ người sang người.
Theo WHO, con người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác, như cúm gia cầm type A chủng H5N1, H7N9 và H9N2, và các virus cúm lợn type A chủng H1N1, H1N2 và H3N2. Virus cúm động vật, như cúm gia cầm hoặc cúm lợn, thường lây lan ở động vật nhưng cũng có thể lây truyền sang người. Người bị nhiễm virus chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, WHO cho biết.
Nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như chỉ sốt và ho, đến nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não cũng đã được ghi nhận ở các mức độ khác nhau.
MINH LONG
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.94454138020601202-couq-gnurt-o-3n01h-mac-aig-muc-meihn-neit-uad-iougn/nv.zibefac