Bác sĩ Trần Thanh Linh đang tham gia chống dịch ở Bắc Giang - Ảnh: NAM TRẦN
BSCKII Trần Thanh Linh - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đội trưởng đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy - trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online sau 6 ngày tăng cường chi viện cho Bắc Giang.
Hiện 13 thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đang phụ trách, hỗ trợ về chuyên môn, hồi sức, điều trị, chăm sóc điều dưỡng cho bệnh nhân COVID-19 có diễn tiến nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang.
Cân não để điều trị cho bệnh nhân nặng
* Bác sĩ có thể cho biết tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang hiện nay?
- Dự kiến ban đầu Bệnh viện Phổi Bắc Giang dành cho khu vực hồi sức, tuy nhiên dịch bệnh phức tạp, số F0 tăng, do đó đã mở rộng cho tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình.
Hiện bệnh viện đã tiếp nhận 78 bệnh nhân nhẹ, trung bình và 46 bệnh nhân nặng phải điều trị ở khu vực hồi sức tích cực. Trong đó có 3 bệnh nhân phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 bệnh nhân phải thở oxy dòng cao, 20 bệnh nhân phải sử dụng oxy.
Thời gian tới, số bệnh nhân nặng phải thở máy tiên lượng gia tăng, nhưng tại đây có thể thu dung thêm 20 bệnh nhân nữa.
* Với số lượng bệnh nhân nặng nhiều như vậy, các y bác sĩ phải "gồng mình" chiến đấu như thế nào, thưa ông?
- Những đợt dịch trước đây, bệnh nhân trẻ, bệnh nhân không có bệnh nền thường không diễn tiến nặng. Nhưng lần này, do biến thể của virus SARS-CoV-2 nên số bệnh nhân nặng là bệnh nhân trẻ, bệnh nhân không có bệnh nền gia tăng.
Ranh giới giữa bệnh nhân đang diễn tiến ở mức độ vừa phải tới nguy kịch rất nhanh, do đó anh em phải luôn túc trực theo dõi.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 đang diễn tiến ở mức độ vừa phải cho tới nguy kịch rất nhanh - Ảnh: TRẦN LINH
Máy móc dù được trang bị đầy đủ nhưng y bác sĩ phải cân não, cân nhắc sử dụng hợp lý cho những trường hợp cụ thể để dự phòng cho các bệnh nhân nặng tiếp theo có đủ máy móc, trang thiết bị sử dụng.
Với những bệnh nhân trẻ diễn tiến nặng, chúng tôi càng phải tập trung để không xảy ra tình huống xấu đi không mong muốn. Anh em hồi sức phải túc trực ngày đêm theo dõi bệnh nhân, kịp thời xử lý những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, giảm thiểu tình trạng tử vong.
* Trước diễn tiến nặng nhanh của nhiều bệnh nhân như vậy, ông muốn nói điều gì không?
- Với sự chuẩn bị ngay từ ban đầu, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn luôn túc trực ngày đêm tại Bắc Giang cùng hệ thống y tế, các y bác sĩ từ các thành phố khác về chi viện tập trung dập dịch.
Hiện cơ bản chúng ta có đầy đủ máy móc, trang thiết bị, vật tư, cơ sở hạ tầng đủ thu dung hơn 3.000 bệnh nhân. Tỉnh Bắc Giang cũng có 15 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và đang tiếp tục triển khai đơn vị hồi sức tiếp theo tại Bệnh viện Tâm thần với quy mô hơn 100 bệnh nhân.
Nếu con số bệnh nhân tiếp tục gia tăng, nguồn nhân lực sẽ thiếu. Tuy nhiên, theo thông tin, các địa phương Huế, Đà Nẵng… sẽ tiếp tục chi viện cho Bắc Giang nên chúng ta có thể đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị và có thể kiểm soát dịch.
Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thể hiện quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, trước khi vào khu vực điều trị - Ảnh: NAM TRẦN
Mọi người đừng quá hoang mang
* Hiện tại, dịch bệnh tại TP.HCM cũng đang diễn biến phức tạp. Ông và đồng nghiệp có lo lắng và chia sẻ gì với lực lượng chống dịch ở "nhà" không?
- Một chút lo lắng bởi con số F0 tại TP.HCM hiện đang gia tăng, có nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây và lây lan sang một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng với sự chuẩn bị từ trước cùng năng lực, vật lực và con người, TP.HCM sẽ đủ sức kiểm soát được dịch.
Chúng tôi cũng sẵn sàng trên tinh thần, nếu dịch tại Bắc Giang kiểm soát tốt, trường hợp không mong muốn, dù TP.HCM hay địa phương nào khác anh em Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn tiếp tục có mặt chung tay chống dịch.
Mong các đồng nghiệp ở TP.HCM hãy yên tâm và mọi người vẫn tự tin.
* Thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến người dân trên cả nước lúc này?
- Mong mọi người đừng quá hoang mang dù con số ca mắc COVID-19 còn tăng. Chúng ta đang đi đúng hướng, tất cả F0, F1 đã khoanh vùng từ khu công nghiệp, hơn nữa chúng ta đã có sự chuẩn bị các hệ thống phân tầng các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tại Bắc Giang đã có 15 đơn vị điều trị cho các bệnh nhân nhẹ đến nặng, các nguồn dự trữ quốc gia đã trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị đầy đủ, nguồn lực nhân viên y tế vẫn đảm bảo cho việc điều trị.
Chúng tôi mong người dân tuân thủ 5K và vắc xin là điều quan trọng trong phòng chống sự bùng phát của dịch. Không chỉ người dân Bắc Giang mà người dân ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… phải luôn luôn tuân thủ, đừng vì cái riêng, cá nhân hay tập thể nào mà vô tình làm dịch phát tán...
Hãy nhìn thấy sự vất vả của anh em tuyến đầu chống dịch.
Bác sĩ Linh mặc đồ bảo hộ trước khi vào thăm khám, điều trị các bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
* Ông có cảm xúc gì khi thấy hình ảnh những đồng nghiệp ở Bắc Giang ướt đẫm mồ hôi, thậm chí là ngất xỉu do nắng nóng?
- Thời tiết Bắc Giang hiện rất nóng, lên tới 40 độ C nên dù được chuẩn bị hậu cần rất tốt, nhưng khối lượng công việc hằng ngày quá nhiều khiến không ít các anh em mất sức, thậm chí ngất xỉu.
Tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ trong chống dịch, vì tất cả chúng tôi đều tự nhủ sẽ luôn cố gắng để đảm bảo sức khỏe, nguồn nhân lực, điều kiện để chống dịch. Anh em luôn giữ vững tinh thần để cùng cả hệ thống của Bắc Giang kiểm soát dịch bệnh.
TTO - 2.200 y bác sĩ, học viên y khoa từ nhiều tỉnh thành cả nước đã về Bắc Giang chống dịch. Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện từ vùng dịch của đại diện những bác sĩ tuyến đầu trong buổi giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online vào chiều 1-6.