vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện những nhà nghiên cứu 'vô tình' thành... tỷ phú

2021-06-02 14:25

Tháng 11/2015, Databricks – công ty phần mềm chuyên về xử lý và phân tích dữ liệu lớn 2 năm tuổi được thành lập bởi nhóm 7 nhà khoa học giảng dạy tại trường Đại học UC Berkeley – phải đối mặt với tình huống khó khăn. Công ty có danh tiếng, nhưng gần như không có doanh thu.

Databricks đã cố gắng gọi vốn suốt 5 tháng liền, tuy nhiên các nhà đầu tư mạo hiểm khá ngần ngại trước doanh số bán hàng thấp của công ty. Không còn cách nào khác, đối tác NEA Pete Sonsini (cũng là nhà đầu tư cho tới thời điểm này) đã đồng ý bơm 30 triệu USD để cứu công ty.

Nhiệm vụ tiếp theo là tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới. Giám đốc điều hành khi đó là Ion Stoica đồng ý rút lui, quay về với công việc giáo sư giảng dạy tại Đại học UC Berkeley. Tuy nhiên, thay vì tìm kiếm một giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm từ Thung lũng Silicon như cách đối thủ Snowflake đã làm, Ali Ghodsi – một nhà đồng sáng lập khi đó đang làm việc với tư cách phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của công ty – đã được lựa chọn cho vị trí CEO.

Việc giao công việc kinh doanh cho một học giả không hề có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp đã vấp phải không ít nghi ngờ từ phía các nhà đầu tư. Thỏa hiệp cuối cùng được đưa ra là Ghodsi có một năm để thử sức ở cương vị mới.

Sự thật đã chứng minh, Ali Ghodsi thực sự là một CEO tài năng. Ông đã đưa Databricks trở thành một trong những công ty phần mềm thành công nhất thế giới, với mức định giá gần đây nhất là 28 tỷ USD, gấp 110 lần thời điểm ông đảm nhận vị trí lãnh đạo này.

Chuyện những nhà nghiên cứu vô tình thành... tỷ phú - Ảnh 1.

7 nhà sáng lập Databricks. Ảnh: Forbes

Databricks hiện có hơn 5.000 khách hàng và theo ước tính của Forbes, doanh thu năm 2021 của công ty có thể lên tới hơn 500 triệu USD, gần gấp đôi so với con số 275 triệu USD của năm ngoái.

Đà tăng trưởng vững mạnh của Databricks đã giúp 3 trong số 7 nhà sáng lập, bao gồm CEO Ali Ghodsi, cựu CEO Stoica và người đứng đầu bộ phận công nghệ Matei Zaharia trở thành tỷ phú, nhờ việc sở hữu 5% tới 6% cổ phần công ty, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD mỗi người.

Đó là một thành công đáng kinh ngạc và điều gây bất ngờ hơn là các nhà sáng lập vì quá say mê với công việc nghiên cứu nên chỉ miễn cưỡng thành lập Databricks để đưa sản phẩm của mình đến được với nhiều công ty dễ dàng hơn.

“Chúng tôi là những nhà nghiên cứu tại Berkeley và chúng tôi chỉ muốn góp phần thay đổi thế giới", CEO Ghodsi cho biết. “Chúng tôi nói với họ ‘Các anh có thể sử dụng phần mềm miễn phí’, nhưng họ nói với chúng tôi rằng ‘Không, chúng tôi sẽ trả cho các anh 1 triệu USD".

CEO của Databricks cho biết, công ty này cũng đã sẵn sàng cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán, đồng thời lưu ý Databricks đang tiến rất gần tới mục tiêu đạt được doanh thu 1 tỷ USD trong năm tới. Trong tương lai, con số 100 tỷ thậm chí còn được coi là mức dự đoán khá thận trọng, bởi theo ông Ghodsi, trí tuệ nhân tạo (AI) cho doanh nghiệp là thị trường nghìn tỷ USD và chỉ cần nắm được khoảng 10% thị trường này, thì doanh thu có thể lên tới “hàng trăm tỷ USD”.

Thiên tài kỹ thuật

Để chạy trốn cuộc chiến tranh Iran-Iraq, năm 1984, gia đình cậu bé Ali Ghodsi, khi đó mới 5 tuổi, đã di cư tới Thụy Điển. Song, cuộc sống của gia đình cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Cũng từ đây, tài năng kỹ thuật của Ali Ghodsi sớm bộc lộ.

Vì quá nghèo, bố mẹ của Ghodsi không thể mua cho con cái những món quà mới. Họ đã tìm mua một chiếc máy tính Commodore 64 đã qua sử dụng làm quà cho con trai. Do đầu đĩa ghi trò chơi điện tử bị hỏng, cậu bé Ghodsi đang học lớp 4 đã tự mày mò đọc sách và học cách viết code trò chơi của riêng mình.

Niềm đam mê, đến mức gần như là ám ảnh với công nghệ và máy tính đã theo Ghodsi trong suốt chặng đường học tập, khi ông theo học Đại học Mid Sweden, sau đó lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật máy tính và quản trị kinh doanh. Năm 2006, ông nhận được bằng tiến sĩ chuyên ngành khoa học máy tính của Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH.

Chuyện những nhà nghiên cứu vô tình thành... tỷ phú - Ảnh 2.

Ali Ghodsi, CEO và đồng sáng lập Databricks. Ảnh: Forbes

Năm 2009, Ali Ghodsi đến Mỹ theo chương trình giảng viên thỉnh giảng tại Đại học UC Berkeley, nơi ông có những nhận thức đầu tiên về Thung lũng Silicon. Bất chấp sự đổ vỡ của bong bóng dotcom 9 năm trước cũng như cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra, cuộc chạy đua trong lĩnh vực đổi mới công nghệ vẫn đạt tới đỉnh điểm.

Tại Berkeley, ông tham gia nhóm nghiên cứu của tiến sĩ trẻ Matei Zaharia, cùng xây dựng công cụ phần mềm xử lý dữ liệu mà họ gọi là Spark. Họ muốn bắt chước cách các công ty công nghệ lớn đang làm với mạng lưới thần kinh nhân tạo (Neural Networks), nhưng với giao diện đơn giản hơn.

Thực tế chứng minh, cách làm của nhóm nghiên cứu đã đi đúng hướng. Năm 2014, Spark đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ sắp xếp dữ liệu và giúp Zaharia giành giải thưởng luận văn khoa học máy tính xuất sắc nhất của năm.

Với mong muốn thu hút các công ty sử dụng sản phẩm của mình, họ đã phát hành Spark miễn phí. Nhưng cả hai nhanh chóng nhận ra, nó không thực sự nhận được sự chú ý.

Khởi đầu gian nan

Năm 2012, nhóm 7 nhà khoa học đã cùng nhau hợp tác thành lập Databricks với con át chủ bài là ứng dụng Spark. Điều họ tìm kiếm lúc này là nguồn vốn đầu tư ban đầu từ các nhà đầu tư, trong đó có Ben Horowitz – một nhà đầu tư của Nicira.

“Chúng tôi nói với bản thân và nói với nhau rằng: ‘Chúng ta không muốn lấy tiền từ ông ấy’”, CEO Ali Ghodsi chia sẻ. “Chúng tôi chỉ muốn có một số vốn khởi động, có thể là khoảng 200.000 USD, thử sức trong một năm để xem chúng tôi có thể làm được những gì".

Và lời đề nghị từ Ben Horowitz khiến tất cả choáng váng. Họ nhận được tới 14 triệu USD từ nhà đầu tư mạo hiểm này.

Rất nhanh sau đó, họ tìm được nhà đầu tư thứ hai Pete Sonsini, người đã dũng cảm đổ tiền vào Databricks ở thời điểm năm 2014, khi doanh thu của công ty non trẻ này gần như là con số 0, chỉ vì nhìn thấy được tiềm năng của Databricks. Khoản tiền 33 triệu USD đã góp phần biến Databricks trở thành starup được định giá tới 250 triệu USD, chỉ 13 tháng sau khi thành lập.

Nhưng chỉ vài tháng sau, tình hình dần trở nên xấu đi.

“Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian để tìm ra cách tiến vào thị trường", nhà đầu tư Horowitz cho hay. Những “cá mập” công nghệ như Amazon Web Services và Cloudera đã bỏ qua Databricks và tích hợp luôn Spark vào sản phẩm của mình.

“Tất cả các đối thủ của chúng tôi đều ngợi khen Spark hết lời", Ghodsi kể lại, “nhưng chúng tôi hầu như không có doanh thu.”

Ngay khi tiếp nhận vị trí CEO, Ali Ghodsi đã lập tức thực hiện ba biện pháp lớn. Thứ nhất, tăng cường đội ngũ bán hàng với việc chiêu mộ những người biết cách chào bán sản phẩm với giám đốc phụ trách bộ phận công nghệ thông tin của các doanh nghiệp. Thứ hai, xây dựng ban lãnh đạo cao cấp của Databricks gồm những người có kinh nghiệm điều hành. Thứ ba, tạo ra các phần mềm độc quyền.

“Khi đó chúng tôi không có sản phẩm gì đặc biệt bởi tất cả các công ty khác đều có thể sử dụng ứng dụng Spark miễn phí",Ghodsi cho biết.

Cất cánh

Sau những cải cách mang tính triệt để, doanh thu của Databricks dần tăng lên. Năm 2016, công ty ghi nhận mức doanh thu 12 triệu USD.

Databricks sau đó nhận được lời mời hợp tác từ Microsoft, tích hợp sản phẩm vào dịch vụ đám mây Azure trị giá 59,5 tỷ USD (tính theo doanh số bán hàng năm 2020). Tới năm 2019, gã khổng lồ Redmond cũng đầu tư vào Databricks.

Tháng 2 vừa qua, Databricks đã huy động thành công 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư, củng cố vị trí là một trong những startup giá trị nhất thế giới. Nguồn tiền này cũng giúp Databricks ổn định tài chính trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ lớn nhất của mình, trong đó có cái tên đình đám như Snowflake, Amazon, Microsoft và Google.

Đỗ Hiền

NDH

Xem thêm: nhc.79322643120601202-uhp-yt-hnaht-hnit-ov-uuc-neihgn-ahn-gnuhn-neyuhc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyện những nhà nghiên cứu 'vô tình' thành... tỷ phú”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools