Trung Quốc hiện đang có nhiều nhà cung ứng cho Apple hơn so với bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào. Đây là 1 dấu hiệu cho thấy nỗ lực chia tách chuỗi cung ứng kết nối 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ chỉ ảnh hưởng rất ít đến tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới xét theo giá trị vốn hóa.
Theo số liệu của Nikkei Asia, trong số 200 nhà cung ứng hàng đầu của Apple trong năm 2020, 51 công ty được đặt ở Trung Quốc (đã bao gồm cả Hồng Kông) – tăng so với con số 42 của năm 2018 và lần đầu tiên lớn hơn con số của đảo Đài Loan. Năm 2019 Apple không công bố số liệu.
Các nhà cung ứng Trung Quốc cũng giúp Apple xây dựng cơ sở sản xuất ở các quốc gia châu Á khác như một phần trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trung Quốc hiện có nhiều nhà cung ứng cho Apple hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Các công ty trong danh sách nhà cung ứng của Apple chiếm tới 98% số tiền Apple chi cho nguyên vật liệu, hoạt động sản xuất và lắp ráp trong 1 năm tài khóa. Được công bố hàng năm kể từ 2013, báo cáo này được coi như 1 chỉ báo về sự phụ thuộc của Apple vào các nhà cung ứng từ khắp nơi trên thế giới.
Apple nổi tiếng là có các tiêu chuẩn về chất lượng rất khắt khe, và sự nổi lên của các nhà cung ứng Trung Quốc thể hiện khả năng sản xuất của Trung Quốc ngày càng được cải thiện và mức chi phí cũng ngày càng cạnh tranh.
Theo 1 nhà quản lý chuỗi cung ứng đang làm việc tại Apple, hầu hết các công ty Trung Quốc đều có chung 1 cách tiếp cận. Họ sẽ giành được hợp đồng bằng cách đưa ra mức giá rất thấp mà các nhà cung ứng bên ngoài Trung Quốc khó có thể tưởng tượng ra. "Họ sẵn sàng chấp nhận những việc có lợi nhuận thặng dư rất thấp mà các nhà cung ứng khác lưỡng lự không muốn nhận. Sau đó họ sẽ dần dần leo lên những nấc thang trên chuỗi cung ứng sau khi đã làm việc với Apple.
Tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple là "tấm vé vàng" để các nhà cung ứng trở nên tốt nhất thế giới.
Số lượng nhà cung ứng cho Apple tại Việt Nam cũng đã tăng từ con số 14 của năm 2018 lên 21 công ty trong năm ngoái. 7 trong số đó thuộc sở hữu của những công ty Trung Quốc hoặc Hồng Kông. Ví dụ như Luxshare Precision Industry (công ty lắp ráp AirPod) và Goertek. Cả 2 bắt đầu sản xuất tai nghe không dây tại Việt Nam từ đầu năm 2020.
Số lượng nhà cung ứng tại Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan tăng mạnh.
Trong khi đó số nhà cung ứng Nhật Bản đã giảm từ 43 trong năm 2017 xuống còn 34. Dù vẫn nằm trong danh sách nhưng Japan Display và Sharp vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Trung Quốc như BOE Technology và Tianma Microelectronics. Sharp và Kantatsu phải cạnh tranh với Luxshare và Cowell trong lĩnh vực camera.
Liên tục giữ vị trí số 1 trong suốt hơn 1 thập kỷ qua nhưng Đài Loan đã tụt xuống vị trí số 2 với 48 nhà cung ứng (năm 2017 con số là 52). Foxconn và Pegatron vẫn là các nhà cung ứng quan trọng của Apple nhưng cũng bị các công ty Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt.
Sau khi thâu tóm 1 nhà máy từ tay Wistron năm ngoái, Luxshare hiện đang kiểm soát Casetek Holdings, chi nhánh sản xuất khung kim loại và case cho iPhone và Macbook của Pegatron. Trong khi Inventec, công ty lắp ráp AirPods đầu tiên, để mất đáng kể thị phần vào Luxshare và GoerTek. Luxshare cũng chiếm ưu thế trong mảng lắp ráp Apple Watch sau khi Quanta Computer quyết định ngừng làm mảng này từ năm ngoái.
Số lượng các nhà cung ứng tại Mỹ cũng giảm từ 37 trong năm 2017 xuống còn 32. Hầu hết những công ty còn trụ lại – như 3M, Corning, Micron, Lumentum và Qualcomm – đều cung cấp các con chip và nguyên liệu có giá trị cao mà khó có thể thay thế.
Tuy nhiên Apple vẫn là một trong những công ty tạo ra nhiều việc làm nhất ở Mỹ (khoảng 2 triệu việc làm trên khắp 50 bang). Năm ngoái Apple chi hơn 50 tỷ USD để mua hàng từ hơn 9.000 công ty trên khắp nước Mỹ.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng Trung Quốc bằng cách áp đặt thuế quan mang tính trừng phạt và đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Tuy nhiên cho đến nay Apple mới chỉ cắt đứt quan hệ với 1 nhà cung ứng Trung Quốc có tên O-Film Technology sau khi Washington đưa công ty này vào danh sách đen với các buộc vi phạm nhân quyền.
Theo Jeff Pu, chuyên gia phân tích cao cấp của GF Securities, Trung Quốc đã có chuỗi cung ứng đạt chuẩn quốc tế trong ngành điện tử nhờ nhiều năm được nuôi dưỡng không chỉ bởi Apple mà còn nhờ các công ty smartphone nội địa như Huawei và Oppo. Linh kiện duy nhất mà họ chưa thể bắt kịp thế giới là chip bán dẫn. Đồng thời một trong những nguyên nhân khiến số lượng công ty Trung Quốc trong danh sách năm 2020 tăng lên là bởi nước này đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Chi phí và chất lượng là những lý do chính khiến Apple vẫn gắn chặt với Trung Quốc bất chấp những áp lực chính trị. Theo các chuyên gia phân tích, việc các nhà cung ứng Trung Quốc sẵn sàng chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ phản ánh những vấn đề tồn tại trong chính môi trường đầu tư ở Trung Quốc. Chi phí nhân công đang tăng lên và ngày càng khó tuyển dụng đủ công nhân trong mùa cao điểm.
Tham khảo Nikkei Asia