3 ưu điểm của bot lấy mẫu chống nóng
Hiện thời tiết cả nước đều nắng nóng và dưới cái nắng của mùa hè nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19 như 1 cực hình. Nhiều nhân viên y tế mất nước, sốc nhiệt, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ của họ.
BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết bác sĩ trực tiếp điều trị cho người mắc Covid-19, nhân viên lấy mẫu cũng chịu nhiều rủi ro, nguy hiểm về dịch tễ do phải tiếp xúc rất gần với các trường hợp F1, F2 thậm chí là F0.
Nhân viên y tế là lực lượng nòng cốt trong công tác chống dịch nhưng nếu dịch dã như hiện nay chưa biết khi nào dừng thì việc chuẩn bị sức khoẻ lâu dài, chống dịch lâu dài cần đưa ra nhiều phương án.
Ngoài việc huy động các nguồn nhân lực y tế ở các địa phương chưa có dịch, bác sĩ Khanh cho rằng ngành y có thể chủ động đưa ra các biện pháp sáng tạo chống dịch ví dụ như bốt lấy mẫu.
BS Khanh cho biết, ông tìm hiểu qua các nước như Thái Lan vẫn đang sử dụng bốt này và hiệu quả tốt.
Theo đó, người lấy mẫu đứng trong một buồng có đôi găng tay đặc biệt sử dụng để thao tác lấy mẫu đối với các trường hợp nghi nhiễm. Các bốt này còn được sử dụng tại các trạm kiểm dịch, hạn chế nhân viên tiếp xúc với người ở các địa phương khác trong lúc kiểm tra giấy tờ và đo thân nhiệt.
BS Khanh cho biết có nhiều ưu điểm của bốt nhưng hiện tại có thể đánh giá bằng 3 ưu điểm.
Thứ nhất, bốt này làm bằng vật liệu nhẹ, lưu động có thể di chuyển tới điểm lấy mẫu, trang bị quạt thông gió thổi từ trên xuống. Chi phi khoảng 4 – 6 triệu đồng/bốt.
Thứ hai, mỗi bốt là một buồng tách biệt với môi trường bên ngoài, được khử khuẩn, đảm bảo ngăn cách 100% giữa nhân viên y tế với mẫu bệnh phẩm, đối tượng lấy mẫu.
Thứ ba, bốt sẽ thay thế cho đồ bảo hộ, giúp giảm nguy cơ sốc nhiệt, mất nước, suy nhược do mặc đồ bảo hộ quá lâu. Đặc biệt việc sử dụng đồ bảo hộ thay 1 lần vô cùng tốn kém chi phí.
Vì vậy, bác sĩ Khanh cho rằng CDC các tỉnh cần chủ động tìm hiểu và đưa ra thiết kế các bốt này không nên chờ đợi có dịch mới làm bốt.
Hiện bác sĩ Khanh cũng đã đưa ra các phương án cho đơn vị thiết kế bốt này sử dụng cho TP HCM hi vọng mang lại hiệu quả.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đơn vị đang nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất ứng dụng các bốt này trong việc lấy mẫu, song, sẽ có một chút khác so với mô hình ở các nước.
Thay vì các bốt được đặt cố định, CDC sẽ nghiên cứu để đặt trên ôtô, thuận tiện di chuyển từ nơi này sang nơi khác sau khi hoàn thành lấy mẫu.
N Anh
Doanh nghiệp tiếp thị