Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 2-6 chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Cơ chế COVAX với sự tham dự của đại diện từ 40 quốc gia. Sự kiện được tổ chức nhằm tìm ra phương án bảo đảm đủ 1,8 tỉ liều vắc-xin cho khoảng 30% dân số ở các quốc gia đang phát triển vào đầu năm 2022.
Theo Kyodo News, Thủ tướng Suga cam kết Nhật Bản sẽ tài trợ thêm 800 triệu USD cùng một phần vắc-xin của nước này cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sáng kiến phân phối vắc-xin toàn cầu chủ yếu cung cấp cho các nước nghèo. Trước đó, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ 200 triệu USD cho chương trình.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, quỹ COVAX đã huy động được 7 tỉ USD tính đến hôm 30-5, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra là 8,3 tỉ USD. Mỹ hiện là quốc gia có mức đóng góp nhiều nhất cho chương trình với 2,5 tỉ USD cùng 80 triệu liều vắc-xin trong khi các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cung cấp hàng tỉ USD và 100 triệu liều vắc-xin.
Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chương trình COVAX, WHO hôm 1-6 thông báo phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, loại vắc-xin thứ hai của Trung Quốc, do Công ty Sinovac phát triển. Hồi đầu tháng trước, WHO đã phê duyệt vắc-xin của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm. Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO giúp các nước trên thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu vắc-xin để tiêm cho người dân, đặc biệt là những quốc gia không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế của riêng họ.
Tại Malaysia, hơn 3,1 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng, trong đó có khoảng 2 triệu người tiêm liều đầu tiên và hơn 1 triệu người tiêm đủ 2 liều tính đến hôm 1-6. Theo số liệu của Ủy ban Đặc biệt về Cung cấp Vắc-xin Covid-19 (JKJAV), tổng cộng 3.107.218 liều vắc-xin được sử dụng, tương đương 9% dân số Malaysia.
Quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu đạt khả năng miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm chủng cho khoảng 80% dân số, tức 26,7 triệu người trong tổng số 33 triệu dân. Ông Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng Điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19, cho biết khoảng 100.000 liều vắc-xin được tiêm mỗi ngày, cùng với kế hoạch tăng gấp đôi con số này lên 200.000 vào tháng 7. Ông Jamaluddin cho hay đơn đặt hàng 12 triệu liều vắc-xin Sinovac (Trung Quốc) dự kiến được giao vào cuối tháng 7 trong khi 25 triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech sẽ được gửi đến trong quý III năm nay.
Nỗ lực tiêm phòng vắc-xin được đẩy mạnh trong bối cảnh Malaysia ghi nhận thêm 7.703 ca nhiễm mới hôm 2-6, nâng tổng ca nhiễm lên 587.165 trong khi số ca tử vong do dịch Covid-19 tăng lên 2.867. Theo tờ The Straits Times (Singapore), biện pháp phong tỏa kéo dài 2 tuần được áp đặt ở Malaysia có hiệu lực đến ngày 14-6 trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục trong tuần qua.
Trong khi đó, người dân tại TP Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc hôm 2-6 ồ ạt đi tiêm phòng vắc-xin khi số ca mắc mới gia tăng tại khu vực. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết có thêm 10 ca mắc mới hôm 2-6 ở tỉnh Quảng Đông, gồm 7 ca ở TP Quảng Châu và 3 ca ở TP Phật Sơn.
Từ ngày 21-5 đến ngày 1-6, TP Quảng Châu, tâm dịch của đợt bùng phát mới ở Trung Quốc, đã ghi nhận 41 ca nhiễm trong cộng đồng và TP Phật Sơn là 6 ca. Người dân tại một số khu vực ở 2 thành phố này được yêu cầu cách ly tại nhà trong khi những người rời khỏi địa phương bằng máy bay, tàu và xe buýt phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày. Đến nay, Trung Quốc ghi nhận ít nhất 91.146 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong.
Tình hình lạc quan hơn tại Israel nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng. Theo tờ Times of Israel, từ tháng này Israel dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế phòng dịch sau hơn 1 năm áp dụng khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Người dân Israel không phải trình "thẻ xanh" chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh khi đến các địa điểm đông người trong không gian kín như nhà hàng, quán bar.
Các sự kiện trong nhà hay ngoài trời không còn bị giới hạn số lượng người tham gia. Quy định đeo khẩu trang vẫn được áp dụng dù các quan chức y tế cho biết cũng sẽ sớm dỡ bỏ.
Xuân Mai
NLĐ
Xem thêm: nhc.49641138030601202-xavoc-ehc-oc-ohc-neit-mob-cul-on/nv.zibefac