- Lãnh đạo EU trực tiếp nêu vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình
- Thấy gì qua chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình?
Phát biểu tại phiên họp Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 1/6, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "Tăng cường kết bạn, tạo ra đa số đồng thuận và không ngừng mở rộng quan hệ với những bên hiểu và thân thiện với Trung Quốc là mục tiêu vô cùng quan trọng".
Ông Tập khẳng định, Bắc Kinh cần "kiểm soát giọng điệu" trong cách giao lưu với thế giới, đồng nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cởi mở, tự tin, song phải chừng mực và khiêm tốn. Việc này sẽ giúp kiến tạo môi trường dư luận quốc tế thuận lợi, cải thiện hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc nhằm đảm bảo sự phát triển của đất nước trên các phương diện.
Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy các liên minh của Mỹ, sau khi các kết nối này bị suy giảm dưới thời ông Donald Trump do chính sách "Nước Mỹ trên hết", đồng thời hình ảnh của Bắc Kinh bị ảnh hưởng lớn khi dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán và lan ra toàn cầu. Để nhanh chóng hiện thực hoá kế hoạch này, ông Tập đã kêu gọi và nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia cấp cao, sử dụng nhiều kênh như hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng hay phương tiện truyền thông chính thống ở nước ngoài để tuyên truyền.
Ông Wang Wen, cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết: "Các nhà lãnh đạo nhận thấy rằng việc truyền tải không đúng với thực tế về hình ảnh của Trung Quốc đã dẫn tới tác động tiêu cực đến lợi ích cốt lõi quốc gia. Giới lãnh đạo mong rằng mọi cấp trong chính phủ sẽ chú ý đến truyền thông quốc tế và đóng vai trò tích cực trong việc truyền tải thông điệp ra thế giới".
Ông Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng hình ảnh một Trung Quốc thân thiện và khiêm tốn. Nguồn: AP. |
Ông Gu Su, Nhà khoa học chính trị tại Trường Đại học Nam Kinh (Giang Tô) nhận định, phát biểu của ông Tập dường như liên quan đến việc Washington yêu cầu điều tra lại về nguồn gốc dịch COVID-19, sau khi truyền thông Mỹ tiết lộ tin tình báo cho thấy một vài nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) từng bị ốm với "triệu chứng giống COVID-19" và nhập viện hồi tháng 11/2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát ở thành phố này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ giả thuyết và kêu gọi sự hợp tác quốc tế để truy tìm nguồn gốc "dựa trên khoa học" và coi việc chính trị hóa cuộc điều tra sẽ khiến chỉ cho thế giới khó có thể tìm ra sự thật, cũng như cản trở nghiêm trọng sự hợp tác quốc tế trước đại dịch.
Ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh) đánh giá: "Hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây đã suy giảm kể từ đại dịch và điều này cần được xem xét nghiêm túc".
Ông Wang Yiwei viện dẫn, Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/5 đã quyết định "đóng băng" Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa khối này và Trung Quốc sau hơn 7 năm ròng rã đàm phán. Theo giới quan sát chính trị, lập trường của châu Âu có thể đã phần nào thay đổi khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ và ngỏ ý muốn nối lại "nhịp cầu" hai bờ Đại Tây Dương, cùng đồng minh lâu năm EU chia sẻ quan điểm và cách thức để đối trọng lại với Trung Quốc, trong bối cảnh nước này không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Gần đây, Lithuania cũng chính thức rời cơ chế hợp tác "17+1" giữa các nước Trung, Đông Âu với Trung Quốc vì cho rằng chính sách đối ngoại kiểu "nước lớn" mà Bắc Kinh theo đuổi không phù hợp với định hướng của nước này.
Hiện chưa rõ liệu nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện của ông Tập có ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc đối với những quốc gia có bất đồng như Mỹ, Australia và EU hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, sự thay đổi này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc xây dựng hình ảnh thân thiện cần thời gian và kỹ năng, thậm chí hàng thập kỷ để tạo nên sự thay đổi. Ngoài ra, nếu chọn thể hiện lập trường mềm mỏng để kết thêm bạn bè quốc tế, chính quyền Trung Quốc có thể bị phản ứng từ chủ nghĩa dân tộc trong nước.