Theo tờ Nikkei Asia, việc 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 2-6 nhất trí bắt đầu tiến trình đàm phán về đơn xin gia nhập của Anh đã thu hút dư luận liên quan các kế hoạch mở rộng của hiệp định này.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc trước đó được cho là đã có động thái tiếp cận không chính thức với các thành viên của CPTPP như New Zealand và Singapore.
Tiến triển của Anh trong gia nhập CPTPP
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 6-2, Ủy ban CPTPP - cơ quan ra quyết định cao nhất của CPTPP – đã đồng ý thành lập một nhóm công tác chịu trách nhiệm xem xét liệu Anh có đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết trong các lĩnh vực như thuế quan và quy tắc đầu tư hay không, cho biết quá trình này có thể mất gần một năm.
Việc Anh chính thức tham gia CPTPP cần đạt được sự nhất trí của các quốc gia thành viên hiệp định này.
Việc Anh xin gia nhập CPTPP sẽ mở ra cánh cửa cho Trung Quốc? Ảnh: NIKKEI ASIA
Theo Nikkei Asia, bước tiến mở rộng CPTPP sẽ mở ra cánh cửa cho các nền kinh tế khác cũng quan tâm đến việc trở thành thành viên của hiệp định này, như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia vốn coi CPTPP là con đường tiềm năng để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình.
Sự tham gia của Anh được cho là sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn về quy mô của thỏa thuận, cụ thể giúp nâng tỷ trọng của của các nước thành viên CPTPP trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ 12,8% lên 16%.
Tuy nhiên, giá trị biểu tượng từ sự tham gia của Anh sẽ rất đáng kể khi có một quốc gia châu Âu tham gia một hiệp định hướng tới châu Á, vốn được gọi là "tiêu chuẩn vàng" cho mức độ tự do thương mại.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Anh Elizabeth Truss cho biết: “Tư cách thành viên của CPTTP là một cơ hội lớn cho Anh. Điều này sẽ giúp chuyển trọng tâm kinh tế của chúng tôi khỏi châu Âu để hướng tới các khu vực đang phát triển nhanh hơn trên thế giới".
Trước đó, Anh hồi tháng 2 đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đề nghị gia nhập CPTPP, thỏa thuận đặt ra các tiêu chuẩn cao về tự do hóa thuế quan, thương mại điện tử, đầu tư và các lĩnh vực khác.
Anh đã có các hiệp định kinh tế song phương với bảy thành viên CPTPP, trong đó có Nhật và Việt Nam. Một trong những lợi ích chính khi Anh tham gia hiệp định này là sự linh hoạt hơn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng trải dài nhiều quốc gia.
Cánh cửa sẽ mở ra với Trung Quốc?
Theo Nikkei Asia, tuy hiệp định CPTPP mục đích ban đầu một phần được đánh giá là nhằm đối trọng Trung Quốc, song Bắc Kinh thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia thỏa thuận này.
Trung Quốc hồi tháng 2 đã bắt đầu đàm phán không chính thức với một số quốc gia thành viên CPTPP như New Zealand và Singapore, đồng thời được cho là đã liên hệ với Úc dù quan hệ giữa hai bên đang căng thẳng.
Các quốc gia này là đối tác của Trung Quốc trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - gồm Úc, Trung Quốc, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và 10 quốc gia Đông Nam Á.
Việc Anh xin gia nhập CPTPP sẽ mở ra cánh cửa cho Trung Quốc? Ảnh: NIKKEI ASIA
Theo Asia Nikkei, việc Trung Quốc tham gia CPTPP có thể vấp phải một số rào cản, bao gồm các yêu cầu cải cách doanh nghiệp nhà nước và dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới.
Tuy nhiên, trong một diễn đàn được tổ chức hồi cuối năm 2020, một nhóm chuyên gia tại Bắc Kinh nhận định rằng CPTPP cho phép một số ngoại lệ trong các quy định của hiệp định này liên quan vấn đề an ninh quốc gia.
Trung Quốc có thể sử dụng điều này để giảm bớt các rào cản trong việc nhanh chóng gia nhập hiệp định, đồng thời có khả năng loại bỏ một số phần liên quan các tiêu chuẩn tự do hóa cao của hiệp định.
Các cuộc đàm phán không chính thức của Trung Quốc với các thành viên CPTPP có thể nhằm xác định cách tiếp cận khả thi để gia nhập hiệp định.
Dư luận quốc tế đã trở nên nặng nề hơn đối với Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11-2020 cho biết Bắc Kinh "sẽ tích cực xem xét việc tham gia" CPTPP.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có đường lối cứng rắn hơn liên quan cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và vấn đề Đài Loan, đồng thời Nhật và châu Âu cũng đã có động thái tương tác với Washington.
Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh nên tập trung vào sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này để tránh bị cô lập.
Liên quan khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này, Nhật nhận thấy có rất ít khả năng ông Biden sẽ sớm đảo ngược đường lối khi chính quyền Mỹ đang tập trung vào các vấn đề trong nước.
11 quốc gia thành viên của CPPTPP hiện gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.