Liên quan đến vụ bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây - khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi"), đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng, nhiều ý kiến của luật sư cho rằng, pháp luật cho phép bị hại có quyền đưa ra số tiền bồi thường lớn nhưng phải đi kèm với chứng cứ thuyết phục.
Pháp luật không khống chế số tiền đòi bồi thường
Sáng 3.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, TPHCM - cho biết, người khởi kiện cần xác định rõ chủ thể được xem là bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm là ai? Nếu là cá nhân bị xâm phạm, thì cá nhân sẽ đứng đơn để khởi kiện ra tòa hoặc tố giác tội phạm đến cơ quan Công an. Nếu là doanh nghiệp bị xâm phạm, thì doanh nghiệp sẽ khởi kiện. Người khởi kiện được quyền đưa ra số tiền bồi thường theo thiệt hại.
"Theo quy định tại Điều 592 BLDS 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được liệt kê bao gồm các thiệt hại sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định" - luật sư Phát nói.
Theo luật sư Phát, khi giải quyết vấn đề về bồi thường thiệt hại, nếu xác định người có hành vi vi phạm đã gây thiệt hại thì phải bồi thường cho các thiệt hại nêu trên, đồng thời phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
"Như vậy, quyền yêu cầu bồi thường là quyền của người khởi kiện, nhưng đi cùng với nó là phải chứng minh cho tòa án thấy rằng, căn cứ tính thiệt hại là phù hợp với thực tế bị thiệt hại..." - luật sư Phát nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng, theo quy định của pháp luật, người dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại được quyền đưa ra số tiền đòi bồi thường do thiệt hại về vật chất và tinh thần.
"Pháp luật không cấm người khởi kiện đưa ra số tiền đòi bồi thường lớn và không khống chế mức này tối đa là bao nhiêu. Vì vậy, người khởi kiện có thể yêu cầu số tiền bất kỳ để yêu cầu bồi thường cho thiệt hại của mình. Tuy nhiên, khi nguyên đơn yêu cầu số tiền bồi thường phải đi kèm với những chứng cứ để chứng minh về thiệt hại số tiền do bị đơn gây ra" - luật sư Hậu cho biết.
Căn cứ để bà Giàu "đòi" bồi thường 1.000 tỉ đồng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lê Thị Giàu đã đưa ra những căn cứ, để yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường với số tiền 1.000 tỉ đồng.
Theo bà Giàu, thương hiệu mì chay Lá Bồ Đề và dầu Nhị Thiên Đường đã xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu và nhiều nước khác. Thương hiệu này cũng đang lan tỏa trên thị trường tiêu dùng cả nước. Phía bà Giàu đang đàm phán với đối tác của nhiều nước để tiếp tục đưa mặt hàng này ra thị trường quốc tế.
"Từ khi bà Hằng tổ chức livestream trên mạng xúc phạm danh dự cá nhân tôi, công ty tôi và thương hiệu này đã làm cho nhiều đối tác nghi ngờ. Thậm chí, có đối tác đã ngưng ký hợp đồng vì cho rằng tôi là người "siêu lừa đảo". Mỗi hợp đồng như vậy, tính ra hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng nhân lên với hàng chục đối tác thì ra con số cả nghìn tỉ đồng.
Chưa kể đến việc xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm của tôi như vậy đã triệt hạ con đường tương lai, thăng tiến của cá nhân tôi và doanh nghiệp của tôi. Cái thiệt hại vô hình này mới là khủng khiếp. Vì nếu danh dự còn, uy tín còn, tôi có thể làm hàng hàng nghìn tỉ đồng trong tương lai" - bà Giàu nói.