18/415 hộ chưa chấp thuận giá đền bù
Năm 2010, dự án thủy điện Sông Tranh 4 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2056; trước đó dự án này được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Chủ đầu tư của nhà máy này là Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4.
Diện tích đất người dân canh tác nằm trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 4. ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
Dự án này được triển khai trên địa bàn các xã: Quế Lưu, Thăng Phước, Phước Gia (H.Hiệp Đức) và xã Tiên Lãnh (H.Tiên Phước, Quảng Nam) với công suất 48MW có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, công ty đã hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị, đảm bảo sẵn sàng phát điện từ tháng 12.2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện bởi vẫn còn 18 hộ dân chưa thực hiện giao đất để giải phóng mặt bằng (GPMB).
Khu vực lòng hồ của dự án có ảnh hưởng đến diện tích ở 4 xã (hiện đã hoàn thành 2 xã) với 415 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích thu hồi là trên 132 ha. Hiện tại, công ty đã giải phóng mặt bằng đạt 98% với tổng chi phí là 95 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được công ty chuyển vào tài khoản của đơn vị chủ trì thực hiện công tác GPMB của 2 huyện.
Cụ thể: ở xã Quế Lưu chỉ còn lại 2 hộ dân (trong tổng số 275 hộ bị ảnh hưởng) với 1,8ha đất bị ảnh hưởng; ở xã Tiên Lãnh còn 16 hộ (trong tổng số 140 hộ) với điện tích 13,65 ha đất chưa thể thu hồi.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 đã hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị nhưng chưa thể đưa vào hoạt động như dự kiến vì 18 hộ dân vẫn chưa giao đất. ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
Ông Nguyễn Văn Thứ (xã Quế Lưu) cho biết, nguyên nhân gia đình ông chưa chịu bàn giao đất để GPMB là do việc áp giá đền bù còn thấp. Ông Thứ cũng lấy dẫn chứng rằng ở một địa phương khác "một cây cao su họ hỗ trợ đền bù 500.000 đồng", nhưng đối với cây cao su của nhà ông, thủy điện đền bù 250.000 đồng/cây.
“Tôi thì hai mắt bị mù, còn có mẹ già. Việc áp giá bồi thường phải đảm bảo mức sống thì tôi mới chấp nhận”, ông Thứ nói.
Là 1 trong 16 hộ dân ở xã Tiên Lãnh chưa chấp nhận giá bồi thường từ thủy điện Sông Tranh 4, ông Nguyễn Hữu Xuân cho hay, ông và nhiều hộ dân ở địa phương chưa chấp nhận bàn giao đất là do hỗ trợ bồi thường còn thấp. Trong khi đó, diện tích đo đạc thì nhiều nhưng khi đền bù lại không khớp với diện tích đã đo đạc. Ngoài ra, nhà ông Xuân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nên muốn nhà nước hỗ trợ di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm này.
Sẽ tính đến phương án cưỡng chế
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban quản lý Dự án thủy điện Sông Tranh 4 cho biết, theo áp giá đền bù của nhà nước thì 2 hộ dân ở xã Quế Lưu được đền bù khoảng 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, xét thấy hoàn cảnh của 2 hộ này là hộ người già, khó khăn, nên công ty đồng ý hỗ trợ thêm. Theo ông Tùng, tổng kinh phí hỗ trợ cho hai hộ này cao hơn so với các hộ còn lại, tuy nhiên đến nay họ vẫn không đồng ý.
Trước đó, Đoàn công tác HĐND tỉnh Quảng Nam đã có chuyến kiểm tra, khảo sát tại nhà máy Thủy điện Sông Tranh 4 và yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng giao đất để thủy điện sớm đi vào hoạt động. ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
Cũng theo ông Tùng, mặc dù chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc vận động, đối thoại, kể cả đến từng nhà hộ dân chưa thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng để lắng nghe, nắm bắt ghi nhận các ý kiến người dân; đồng thời, tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân chấp hành quy định Nhà nước trong công tác bồi thường GPM, tuy nhiên, đến nay 18 hộ dân vẫn chưa thống nhất nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
“Việc chậm bàn giao mặt bằng đã làm chậm tiến độ của dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tùng nói.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Đức cho biết, trên địa bàn xã Quế Lưu chỉ còn lại 2 hộ (là hai mẹ con) vẫn chưa chịu giao đất khiến cho việc thu hồi đất, GPMB để giao cho thủy điện Sông Tranh 4 đình trệ.
“Trước đây, cũng có nhiều hộ dân phản ứng, không chịu giao đất. Nhưng sau khi nghe các cơ quan, đoàn thể huyện giải thích rõ ràng thì đều đã đồng ý và đến nay không có khiếu kiện gì nữa. Dù huyện đã huy động tất cả các ban ngành vào cuộc để vận động nhưng đến nay hai hộ này vẫn chưa chấp thuận”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, lý do mà 2 hộ gia đình này không chịu giao đất vì họ muốn được đền bù với mức giá cao hơn nữa. Tuy nhiên, mức áp giá đền bù đều được làm theo quy định của nhà nước.
Cũng theo ông Hoàng Văn Hùng, đa số diện tích hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng trong diện tích lòng hồ thủy điện sông Tranh 4 chủ yếu là đất sản xuất, các diện tích trồng cao su, cây keo, lúa… hầu như không ảnh hưởng đến nhà ở của người dân.
Diện tích đất người dân bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện. ẢNH: MẠNH CƯỜNG |
“Một công trình trên địa bàn mà để phải cưỡng chế thì có thành công đến mấy cũng rất khó chịu, với chính người dân. Vì thế, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thuyết phục 2 hộ dân còn lại để họ tự nguyện giao đất. Vì không ảnh hưởng đến nhà ở, nơi cư trú nên có cưỡng chế thì mình sẽ hạ xuống một bậc là bảo vệ thi công cho công ty tiến hành giải phóng diện tích lòng hồ bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước cho biết, thời gian vừa qua, huyện đã cố gắng để làm tốt công tác GPMB để thực hiện giao đất cho thủy điện Sông Tranh 4. Huyện đã đối thoại ít nhất 6 lần và có nhiều văn bản chỉ đạo địa phương và các đơn vị bồi thường để tháo gỡ vướng mắc với các hộ dân.
Ngoài ra, ông Anh lý giải việc giảm diện tích bồi thường là bởi năm 2018, đơn vị đo đạc thuộc Sở TN-MT đo giải thửa để thực hiện bồi thường và niêm yết diện tích này cho dân. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát lại thì phát hiện một số diện tích không có khả năng canh tác thuộc bãi bờ, sông suối và một số là đá sỏi. Vì vậy, năm 2019 đã rà soát, xác minh lại rất kỹ 1 lần nữa thì diện tích này bị giảm đi.
“Từ nay đến hết 30.6, huyện sẽ rà soát hồ sơ pháp lý của các hộ và tiếp tục vận động họ giao đất để Thủy điện Sông Tranh 4 vận hành. Trong trường hợp người dân tiếp tục không giao đất chúng tôi sẽ tính đến phương án cưỡng chế”, ông Anh nói.