Vải thiều Thanh Hà được bán mở rộng ở nhiều siêu thị tại Singapore - Ảnh: Bộ Công thương
Dự kiến, từ nay đến hết mùa vải, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40 feet, dự kiến đến cuối tháng 7-2021, khối lượng xuất khẩu có thể lên đến 100 tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết để quảng bá sản phẩm, đã cho in ấn poster gắn sự kiện vải tươi Việt Nam mùa vụ mới với lễ hội Đoan Ngọ của người Hoa; mời chuyên gia Singapore - là tác giả của cuốn "Sổ tay hướng dẫn thực hành vải" - để khách quan giới thiệu, thuyết phục nhà nhập khẩu sự khác biệt nổi trội về chất lượng của trái vải Việt Nam so với các nước.
Hằng năm, Singapore nhập khẩu hơn 2.000 tấn vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và các nước Nam bán cầu như Úc, Nam Phi, Madagascar, Mauritius… Tuy vậy, mỗi năm nước này cũng xuất đi khoảng 400 tấn vải, là "đối thủ cạnh tranh" với Việt Nam về khối lượng xuất khẩu trái vải ra thế giới.
Bà Trần Thu Quỳnh - trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore - cho rằng thách thức đặt ra là chúng ta đã bỏ ngỏ một số thị trường, chưa làm tốt công tác chế biến sâu và việc nhận diện thương hiệu cho trái vải Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam và Singapore cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do rộng lớn như CPTPP, RCEP, EU… nên với phương châm "Buôn có bạn, bán có phường" để trái vải Việt có thể vươn sang những thị trường mới.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trên bao bì xuất khẩu năm nay sẽ giúp tăng cường sự nhận diện thương hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài.
Ra mắt thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La
UBND tỉnh Sơn La đã ra mắt thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La, vốn được trồng ở địa phương này suốt hơn 40 năm qua.
Ông Nguyễn Thành Công - phó chủ tịch tỉnh Sơn La - cho hay sản phẩm khẳng định tầm nhìn của tỉnh với những nông sản hàng hóa có giá trị cao, có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.
Còn theo đại diện của Mia Fruit - doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La, từ giống nguyên bản, mỗi vụ mùa qua, người nông dân Nà Ka lại tuyển chọn những cây đẹp nhất, ngon nhất, chiết cành và nhân giống để tạo ra loại mận hậu đặc trưng.
Phương pháp canh tác mận hậu Ruby Sơn La cũng được những nghệ nhân trồng mận trong thung lũng thiết kế riêng qua bốn thập kỷ chiêm nghiệm. Các cây mận được trồng ở khoảng cách xa hơn nhiều vùng trồng khác, để có không gian "thở".
Với tiêu chí đề cao chất lượng của từng trái mận, người nông dân Nà Ka sẵn sàng hy sinh đến 30% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những trái ngon nhất.
TTO - Vải thiều của Việt Nam sẽ là "nhân vật chính" trong Tuần hàng Việt Nam (Vietnam Fair) được tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 4 đến 6-6 này. Nhiều đợt vải thiều mới sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Nhật thời gian tới, mở lối ra cho nông sản Việt.