Bộ Công Thương kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho tiểu thương, nhân viên siêu thị
V.Dũng
(KTSG Online) - Theo Bộ Công Thương, người lao động tại trung tâm bán lẻ hay chợ phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng mỗi ngày, vì vậy để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thì việc tiêm vaccine cho đối tượng này là hết sức cần thiết.
Bộ Công Thương kiến nghị tiêm vaccine cho nhân viên hệ thống phân phối bán lẻ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị/hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu. Mới đây, trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các hệ thống phân phối lớn, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 do ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
"Đối tượng này gồm nhân viên siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... và tiểu thương tại các chợ truyền thống, tạp hóa, cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Việc bổ sung này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh", công văn nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên tiêm gấp vaccine cho nhóm đối tượng này ở những địa phương đang có dịch. Với những hệ thống phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine, hướng dẫn thủ tục hành chính về nhập khẩu và tổ chức tiêm.
Trong khi đó về phía các doanh nghiệp bán lẻ họ cũng cho biết đang ráo riết tìm nguồn cung vaccine để sử dụng cho người lao động. Mới đây, đại hiện của Masan Group cho biết đang tìm nguồn vaccine phòng Covid-19 thông qua nhiều kênh như gửi công văn đến Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND TPHCM, Hà Nội và tận dụng một số mối quan hệ doanh nghiệp khác ở nước ngoài. Hiện tại tập đoàn có hơn 4.000 nhân viên và rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ nên việc chủ động được nguồn vaccine là cần thiết.
Trong thời gian quan cũng rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề đề xuất việc lên Chính phủ việc chủ động tìm nguồn vaccine hoặc chi trả kinh phí tiêm cho người lao động.
Trong khi đó, ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết, doanh nghiệp này có gần 150 lái xe, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, đã phải chi vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm. Doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều tuyến vận tải gần như không có doanh thu, trong khi vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí phát sinh vì Covid-19, nên rất khó khăn. Ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu, có cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia mua, tiêm vaccine trả phí, bởi tính ra chi phí tiêm còn rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm.
Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản về việc tăng cường tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp như vaccine của Astra Zeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson... cơ quan này sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Với những loại vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất.
Khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định. Hồ sơ gồm, giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất hoặc giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý để Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO để đảm bảo chất lượng và tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc.
Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm, chưa đủ điều kiện nhập khẩu vaccine theo quy định, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vaccine để phối hợp thực hiện.