Một bệnh nhân mắc COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cung cấp
Tại sao người béo phì mắc COVID-19 dễ trở nặng?
Theo một nghiên cứu phân tích dữ liệu gộp từ 75 nghiên cứu liên quan với hơn 300.000 người bệnh COVID19 tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cho thấy người béo phì gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 và tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.
Cụ thể, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 46%, tăng nguy cơ nhập viện khi đã mắc COVID-19 lên 113%, tăng nguy cơ chuyển vào khoa hồi sức tích cực (ICU) lên 74%, và gia tăng nguy cơ tử vong lên 48% so với người bệnh có tình trạng dinh dưỡng bình thường.
Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc và tiên lượng nặng khi mắc COVID-19 thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Trước tiên bản thân mô mỡ ở người béo phì kích thích tiết ra nhiều cytokine có tác dụng gây viêm và phá hủy tế bào như interleukin (IL)-1, IL-6, IL-7 và TNF-alpha hơn so với người bình thường. Đây cũng là những nhóm chất mà cơ thể chúng ta bị gia tăng khi mắc bệnh COVID-19.
Như vậy tác dụng kép của béo phì và COVID-19 làm gia tăng tác hại của các hóa chất cytokine gây viêm và độc lên tế bào. Bên cạnh đó, ở người béo phì, tế bào miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể như tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cell) và tế bào lympho T bảo vệ màng nhày (mucosal associated invariant T cell, hay còn gọi là MAIT cell) cũng bị khiếm khuyết hay thiếu hụt.
Ngoài ra, các biến chứng của bệnh béo phì như rối loạn chức năng thông khí, khó thở lúc ngủ do tắc nghẽn do béo phì gây ra cũng góp phần làm giảm chức năng hô hấp khi mắc bệnh COVID-19.
Cuối cùng, những bệnh đi kèm như tăng insulin, rối loạn đường huyết lúc đói, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn lipid máu và suy giảm chức năng gan thận là những hậu quả của việc mắc béo phì lâu ngày cũng góp phần gây khó khăn cho việc điều trị và tăng nguy cơ nặng khi mắc COVID-19.
Cơ chế giải thích người béo phì dễ mắc COVID-19 nặng - Ảnh: TS.BS CƯỜNG chụp từ tạp chí y khoa
Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ tăng nặng tiên lượng bệnh của một số dịch bệnh trước đây như cúm H1N1, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-COV). Hiện tại béo phì là một trong những vấn nạn về dinh dưỡng toàn cầu.
Giãn cách xã hội tăng nguy cơ béo phì
Trong thời gian đại dịch và đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ thừa cân béo phì gia tăng do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là việc giảm thu nhập dẫn đến mất an ninh lương thực mức độ hộ gia đình.
Người dân có nguy cơ tăng tiêu thụ mì gói, thức ăn chế biến sẵn, giảm tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau và trái cây. Việc thu gom và tích trữ thức ăn không phù hợp cũng "góp phần".
Kế tiếp là làm việc tại nhà, giảm di chuyển, giảm tập thể dục dẫn đến giảm hoạt động thể lực, giảm tiêu hao năng lượng.
Do đó giữ cân trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội là một việc cần phải làm. Ngoài ra, ở những người đã thừa cân béo phì, việc dành thời gian theo đuổi chế độ giảm cân cũng là một ý tưởng hay trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo điều tra STEP của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015, tỉ lệ thừa cân và béo phì (BMI>25kg/m2) ở người trưởng thành tại Việt Nam là 15,6%, trong đó tỉ lệ ở người sống tại nội thành cao hơn (21,3%) so với người dân sống tại ngoại thành (12,6%).
TTO - Tình trạng 'phổi đông đặc' của bệnh nhân 7445 (sinh viên 22 tuổi, quê Cần Đước, tỉnh Long An) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM rất giống trường hợp bệnh nhân phi công người Anh.