Đảo Đài Loan (Trung Quốc), Mexico và Costa Rica là những địa điểm được nhiều người nước ngoài xa xứ (expat) ưa chuộng đến sinh sống và làm việc trong năm 2021, theo một khảo sát mới được công bố gần đây.
Các tiêu chí để đánh giá một nơi đáng sống đối với người nước ngoài trong khảo sát này là chi phí sinh hoạt, khả năng dễ dàng định cư và chất lượng cuộc sống nói chung. Kết quả khảo sát cho thấy Mỹ chỉ đứng thứ 34 trong danh sách 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Bloomberg.
Trong khi đó, Đảo Đài Loan tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng trong năm thứ 3 liên tiếp, và ở vị trí thứ 10 của bảng xếp hạng năm nay là Việt Nam.
Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ được người nước ngoài ưa thích nhất và top 10 không được ưa thích nhất. Nguồn: Bloomberg
Cuộc khảo sát do mạng lưới InterNations có trụ sở tại Munich, Đức thực hiện đã tiến hành thăm dò ý kiến của 12.420 người nước ngoài xa xứ.
Trong số các tiêu chí đánh giá về một địa điểm đáng sống, vấn đề sức khỏe và chăm sóc y tế là điều được những người tham gia khảo sát đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới.
Ở vị trí thứ 1 trong bảng xếp hạng, đảo Đài Loan được đánh giá cao về chất lượng của dịch vụ chăm sóc y tế và cơ hội việc làm, trong khi đó Mexico và Costa Rica ở vị trí số 2 và 3 được lựa chọn vì người nước ngoài xa xứ có thể dễ dàng ổn định cuộc sống tại hai nơi này
Kuwait, Nga và Nhật Bản được những người tham gia khảo sát đánh giá thấp trong hạng mục về khả năng ổn định cuộc sống, lý do là khác biệt văn hóa (Nhật Bản, Kuwait), khó khăn trong việc kết bạn mới (Kuwait), hay do rào cản ngôn ngữ (Nga).
Khoảng 85% số người được hỏi cho biết họ dễ dàng ổn định cuộc sống ở Mexico, trong khi 91% nói rằng Costa Rica "nhìn chung là thân thiện". 80% người nước ngoài sinh sống tại Mexico cho biết họ hài lòng với thu nhập của mình, và 84% người nước ngoài sống tại Costa Rica đồng tình rằng thu nhập của họ "đủ sống hoặc thậm chí là hơn thế ".
Ba quốc gia nằm ở cuối danh sách là Kuwait, Italy và Nam Phi vì các tiêu chí chất lượng cuộc sống (Kuwait), thu nhập (Italy), và cơ hội việc làm/tình trạng của nền kinh tế địa phương (Nam Phi).
Việc Mỹ không xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này cũng không phải là điều bất ngờ đối với Bloomberg. Mỹ đã nhận được điểm đánh giá thấp trong các tiêu chí về chất lượng cuộc sống và chi phí sinh hoạt. Nhiều người được hỏi cũng cho biết họ không hài lòng với một số khía cạnh của hệ thống y tế ở Mỹ, như giá cả và chất lượng dịch vụ.
Bloomberg cho biết cuộc khảo sát này được thực hiện vào tháng 1 năm nay và kể từ đó tình hình có thể đã thay đổi không ít, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đại dịch./.
Nguồn: Bloomberg
HỒNG ANH
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ